10:04, 19/04/2021

Kiểm soát chặt hàng hóa trên thị trường

Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2021. Ông Phạm Ngọc Sơn - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết:

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2021. Ông Phạm Ngọc Sơn - Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết:

 


- Việc triển khai kế hoạch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp vận động các cơ sở kinh doanh truyền thống, thương mại điện tử (TMĐT), các cơ quan, tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại, hiệp hội ngành nghề… ký cam kết tự giác chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý ngăn chặn triệt để tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đấu tranh phòng, chống hiệu quả tình trạng tái phạm, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp, làm lành mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh, du lịch; gắn trách nhiệm quản lý theo địa bàn của công chức, nhất là vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị trực thuộc trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…


- Để việc triển khai kế hoạch đạt kết quả cao, đơn vị sẽ tập trung vào những hoạt động gì, thưa ông?


- Cục QLTT yêu cầu các đội QLTT trực thuộc chủ động báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí truyền thông, doanh nghiệp, hiệp hội, sàn TMĐT xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết; đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý triệt để vi phạm, tái phạm; phối hợp với các doanh nghiệp, các sàn TMĐT... cung cấp đường dây nóng, đầu mối liên hệ để hỗ trợ các cơ sở kinh doanh phân biệt hàng thật - hàng giả, đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ động tố giác vi phạm. Đồng thời, tổ chức thu thập, xác minh, điều tra cơ bản kết hợp với việc khảo sát, đánh giá các yếu tố đặc thù tại các địa bàn… để xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra, xử lý vi phạm. Việc kiểm tra sẽ được bảo mật thông tin tuyệt đối, triển khai thực hiện đồng loạt, xử lý triệt để vi phạm, đấu tranh phòng, chống hiệu quả tình trạng chống đối người thi hành công vụ, vi phạm tái diễn; phối hợp với lực lượng công an và các lực lượng chức năng liên quan triệt phá các tụ điểm, ổ nhóm vi phạm nghiêm trọng.

 

Lực lượng quản lý thị trường tiêu hủy các sản phẩm vi phạm.

Lực lượng quản lý thị trường tiêu hủy các sản phẩm vi phạm.


Ngoài ra, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức trực tiếp tham gia công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước mắt, trong tháng 5, Cục QLTT tỉnh sẽ phối hợp với một số nhà sản xuất, nhãn hàng lớn tổ chức hội nghị để hỗ trợ các cán bộ kiểm soát thị trường, cơ sở kinh doanh phân biệt được hàng thật, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…


- Xin ông cho biết, một số kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thời gian qua?


- Thời gian qua, đơn vị đã tổ chức khảo sát, đánh giá, sàng lọc và thống kê danh sách các cơ sở kinh doanh các chủng loại mặt hàng trang sức, đồng hồ, mắt kính, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi xách, ví và các mặt hàng khác có xuất hiện tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các chợ như: VCN Phước Hải, chợ Đầm, Xóm Mới, Vĩnh Hải, chợ đêm Nha Trang và các cơ sở kinh doanh trên các tuyến đường: Phan Bội Châu, Thống Nhất, Nguyễn Trãi, Ngô Gia Tự… Qua đó, trên địa bàn TP. Nha Trang có 1.071 cơ sở; trong đó có 562 cơ sở đã đóng cửa, nghỉ kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đối với các cơ sở đang hoạt động, đơn vị đã thực hiện việc tuyên truyền và vận động ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.


Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn còn một số cơ sở sau khi được tuyên truyền, ký cam kết vẫn vi phạm. Riêng quý I/2021, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 6 vụ vi phạm với số tiền xử phạt 103,5 triệu đồng; mặt hàng vi phạm gồm quần áo, túi xách, mũ, phụ tùng xe máy Honda… Thực tế, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa, chưa hoạt động trở lại, công tác kiểm tra xử lý cũng hạn chế.


- Xin cảm ơn ông!


C.V (Thực hiện)