11:04, 18/04/2021

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn. Vì thế, doanh nghiệp tiếp tục cần sự hỗ trợ của Nhà nước để vượt khó.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn. Vì thế, DN tiếp tục cần sự hỗ trợ của Nhà nước để vượt khó.


Nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động


Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 22.498 DN đăng ký thành lập mới (không bao gồm các DN trực thuộc), với tổng số vốn đăng ký 171.386 tỷ đồng. Trong đó, hơn 95% là DN nhỏ và vừa. Riêng năm 2020, dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song vẫn có 1.843 DN đăng ký thành lập mới, chỉ giảm 3,3% so với năm 2019. Các DN thành lập mới chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, ô tô, xe máy và xây dựng. Số vốn đăng ký mới tập trung chủ yếu ở các ngành, lĩnh vực như: Sản xuất, phân phối điện, nước, gas (2.053 tỷ đồng, chiếm 18,2%); xây dựng (1.938,6 tỷ đồng, chiếm 17,2%)… Năm 2020 cũng ghi nhận sự quay trở lại hoạt động của 655 DN.

 

Dây chuyền sản xuất  của Nhà máy Sản xuất tấm tường Acotec - VCN.

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Sản xuất tấm tường Acotec - VCN.


Tuy nhiên, năm 2020, số lượng DN tạm ngừng hoạt động và giải thể cũng tăng ở mức rất cao. Cụ thể, có 1.284 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 89% so với năm trước; 443 DN giải thể, tăng 39%. Bước sang năm 2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khó khăn, nhất là các DN trong lĩnh vực du lịch. Từ đầu năm đến đầu tháng 4, toàn tỉnh chỉ có 377 DN thành lập mới, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.


Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hầu hết các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại, có khoảng 20% sản xuất. Ở loại hình DN này, máy móc, thiết bị đang sử dụng đa phần lạc hậu, chỉ một số DN đầu tư trang thiết bị tiên tiến; năng suất lao động thấp. Tác động của dịch Covid-19 đã đẩy cộng đồng DN nhỏ và vừa lâm vào khó khăn lớn. Đó là, tổng cầu giảm, đầu ra chưa phục hồi kịp; thiếu vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn. Những điều đó khiến nhiều DN có nguy cơ phá sản.


Triển khai chính sách hỗ trợ


Chia sẻ khó khăn với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo kịp thời để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa. Phương án hỗ trợ được tiến hành trên bình diện rộng với nhiều sở, ngành tham gia. Đối với vấn đề tài chính, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN; chương trình bình ổn thị trường để DN được tiếp cận chính sách tháo gỡ khó khăn của ngành ngân hàng, nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi. Đến đầu năm 2021, dư nợ cho vay ưu đãi DN của tỉnh đạt 5.366 tỷ đồng. Ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN như: Giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới phục vụ sản xuất, kinh doanh. Năm 2020, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay (về mức tối đa 11%) cho 4.435 lượt khách hàng với dư nợ 20.219 tỷ đồng; từ tháng 5-2020, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay (về mức tối đa 9%/năm) cho 1.872 lượt khách hàng với dư nợ gần 8.954 tỷ đồng.

 

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Sodex Sport.

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Sodex Sport.


Cuối năm 2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 16/2020 về hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho DN nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, các DN nhỏ và vừa khi thuê địa điểm sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% đơn giá thuê mặt bằng tính theo diện tích thuê lại của nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Diện tích hỗ trợ tối đa là 10.000m2 và số tiền hỗ trợ tối đa là 100 triệu đồng/DN/năm.


Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ các DN về ứng dụng, chuyển giao công nghệ; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đào tạo nguồn nhân lực; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị… Đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn, thông qua việc tổ chức triển khai các hoạt động khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Nhà nước đã hỗ trợ gần 3 tỷ đồng cho một số DN và cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư dây chuyền sản xuất.


Bà Nguyễn Thị Hà - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đã bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình tín dụng đối với DN; các đề án, chương trình tín dụng phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chương trình kết nối ngân hàng - DN để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn.


Đình Lâm