10:04, 26/04/2021

Để chống khai thác IUU: Hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát

Nhằm hỗ trợ ngư dân, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu chính sách hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá và cước phí thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá trong tỉnh.

Nhằm hỗ trợ ngư dân, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu chính sách hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tàu cá và cước phí thuê bao dịch vụ GSHT tàu cá trong tỉnh.


86 tàu cá chưa lắp đặt


Theo Nghị định số 26/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị GSHT trước ngày 1-4-2020. Chủ tàu phải lựa chọn vị trí lắp thiết bị GSHT bảo đảm hoạt động tốt nhất, liên tục từ khi tàu rời cảng đến khi cập cảng. Tuy nhiên, đến nay, đã quá thời hạn quy định hơn 1 năm, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn 86 tàu cá chưa lắp đặt. Trong đó, TP. Nha Trang 68 tàu, huyện Vạn Ninh 11 tàu, TP. Cam Ranh 6 tàu và huyện Cam Lâm 1 tàu.

 

Tàu cá của ngư dân trong tỉnh cập cảng Hòn Rớ.

Tàu cá của ngư dân trong tỉnh cập cảng Hòn Rớ.


Một số chủ tàu cá cho biết, kinh phí mua sắm thiết bị GSHT trung bình 20 triệu đồng/thiết bị. Đó là chưa kể cước phí để trả cho các nhà mạng viễn thông nhằm duy trì hoạt động, kết nối của thiết bị khoảng 750.000 đồng/tháng/thiết bị. Trong khi đó, hiệu quả khai thác hải sản không cao, nhiều chuyến biển của ngư dân thua lỗ dẫn đến khó khăn, thiếu kinh phí để lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá. Tuy nhiên, đại diện Chi cục Thủy sản cho rằng, ngoài nguyên nhân này, vẫn có một số chủ tàu cố tình chậm lắp đặt thiết bị; trong quá trình khai thác trên biển cố tình tắt thiết bị GSHT để giấu luồng cá…


Ngư dân Nguyễn Thành Hưng ở Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Thời gian qua, hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn bởi chi phí chuyến biển cao, trong khi sản lượng khai thác đạt thấp, đi 10 chuyến chỉ được 2 - 3 chuyến có lãi, còn lại là hòa hoặc lỗ. Như chuyến biển tháng 4, tàu cá của gia đình tôi bám biển 20 ngày, chi phí 150 triệu đồng nhưng khai thác chưa đến 5 tấn cá ngừ sọc dưa, với giá 30.000 đồng/kg như hiện nay thì chỉ đủ chi phí”. Để giảm bớt khó khăn, ngư dân mong muốn UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ lắp đặt thiết bị và duy trì thường xuyên hoạt động của thiết bị GSHT tàu cá, từ đó bảo đảm quy định trong chống khai thác IUU.


Hỗ trợ ngư dân


Để bảo đảm 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên thực hiện việc lắp đặt thiết bị GSHT, trong kế hoạch triển khai chống khai thác IUU năm 2021 vừa được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, xây dựng chính sách hỗ trợ lắp đặt thiết bị GSHT và cước phí thuê bao dịch vụ GSHT tàu cá trong tỉnh.


Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Thủy sản đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh chính sách hỗ trợ cho ngư dân. Chính sách được xây dựng theo hướng hỗ trợ 1 lần 50% chi phí lắp đặt thiết bị GSHT cho các tàu hoạt động xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên, tương đương 10 triệu đồng/tàu; hỗ trợ 50% cước phí thuê bao dịch vụ GSHT tàu cá, tương đương 175.000 đồng/thiết bị/tháng”.


Liên quan đến hoạt động của hệ thống GSHT tàu cá, hiện nay, việc kết nối, đồng bộ dữ liệu hành trình tàu cá giữa đơn vị cung cấp thiết bị với hệ thống giám sát tàu cá của Trung tâm Thông tin - Tổng cục Thủy sản thường bị ngắt quãng tín hiệu, gây khó khăn trong công tác giám sát, theo dõi và quản lý dữ liệu tại Trạm bờ giám sát tàu cá đặt tại Chi cục Thủy sản. Vì vậy, Chi cục Thủy sản kiến nghị Tổng cục Thủy sản sớm khắc phục vấn đề này; đồng thời nâng cấp Hệ thống giám sát tàu cá để có thêm chức năng cảnh báo ranh giới giữa các vùng khai thác (vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi) để ngư dân chủ động tránh vi phạm, nhất là vi phạm vùng biển nước ngoài.


HẢI LĂNG