Đầu năm 2021, tình hình xuất khẩu cá ngừ đại dương của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang đối diện với nỗi lo thiếu nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến xuất khẩu.
Đầu năm 2021, tình hình xuất khẩu cá ngừ đại dương của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, các DN đang đối diện với nỗi lo thiếu nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến xuất khẩu.
Tín hiệu khả quan
Năm 2020, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, cùng với việc thủy sản Việt Nam bị cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nên việc xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường các nước gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường châu Âu. Các DN trên địa bàn tỉnh nhận rất ít đơn đặt hàng, thậm chí một số DN ngừng thu mua cá nguyên liệu. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2021, việc xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang các nước dần phục hồi trở lại, nhất là thị trường Mỹ có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Tại Công ty TNHH Thịnh Hưng (Khu Công nghiệp Suối Dầu), năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đại dương chỉ đạt khoảng 70% so với năm 2019. Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm 2021, tình hình có vẻ khởi sắc khi DN nhận được nhiều đơn đặt hàng. Nhờ có đơn đặt hàng xuất khẩu, công ty đã đẩy mạnh thu mua cá ngừ đại dương, giá thu mua ở mức 115.000 đồng/kg, tăng hơn 15.000 đồng/kg so với những tháng trong năm 2020.
Ông Lê Bửu Quốc - Trưởng phòng thu mua nguyên liệu Công ty TNHH Thịnh Hưng cho biết, ngoài thị trường châu Âu, DN còn nhận nhiều đơn đặt hàng phục vụ các siêu thị từ Mỹ, Canada… Tương tự, những tháng đầu năm nay, Công ty TNHH T-H Nha Trang (huyện Diên Khánh) cũng nhận nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu cá ngừ vào thị trường châu Âu và Mỹ. Tuy dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng DN đã nhận đơn đặt hàng đạt khoảng 80% so với thời điểm chưa ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây là tin vui trong mùa bán hàng năm nay của các DN chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương.
Tại Khu Công nghiệp Suối Dầu, Công ty TNHH Hải Vương (có 5 công ty thành viên) hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản với các sản phẩm chủ lực từ cá ngừ đại dương. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của công ty giảm 14% so với năm 2019. Những tháng đầu năm 2021, công ty đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu chủ yếu từ thị trường Mỹ, EU, các nước Trung Đông…, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Năm nay, DN đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu khoảng 51.700 tấn sản phẩm cá ngừ đại dương và các loại cá biển; ổn định việc làm cho 3.420 lao động tại 5 công ty thành viên.
Theo ông Vũ Đình Đáp - Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, hiện nay, cả nước có 17 DN với 24 nhà máy chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương, tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Định và Phú Yên. Cá ngừ đại dương Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 100 nước trên thế giới. Trong năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của các DN đạt 648 triệu USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm gần 41%, khu vực Trung Đông 15%, EU 14%, khu vực ASEAN 5%, Nhật Bản 4%, còn lại là các nước khác. Những tháng đầu năm 2021, việc xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang các nước có nhiều khởi sắc. DN đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu, nhờ vậy, giá cá ngừ đại dương được các DN thu mua tăng 10 - 15% so với năm trước.
Lo thiếu nguyên liệu
Mặc dù thị trường xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi nhưng các DN chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương trên địa bàn tỉnh lại đang lo lắng vì thiếu nguyên liệu đầu vào. Đơn cử như 5 đơn vị thành viên của Công ty TNHH Hải Vương có năng lực sản xuất lên đến 450 tấn/ngày, tuy nhiên nguồn nguyên liệu lại phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Ông Nguyễn Văn Dư - Giám đốc Công ty TNHH Cá ngừ Việt Nam (đơn vị thành viên của Công ty TNHH Hải Vương) cho hay: “Hiện nay, công ty cần nguồn nguyên liệu đầu vào rất lớn, nhưng nguồn cá ngừ đại dương thu mua trong nước (chủ yếu trong tỉnh) đạt chưa đến 10% nhu cầu chế biến xuất khẩu của DN. Để đảm bảo các đơn hàng, công ty phải nhập hơn 90% nguyên liệu từ các nước; giá nguyên liệu nhập khẩu chênh lệch cao hơn 10 - 15% so với thu mua trong nước. Nguyên nhân một phần do sản lượng đánh bắt của ngư dân thời gian qua đạt thấp, một phần do nhiều DN tham gia vào thị trường chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương…”.
Trong khi đó, dù đẩy mạnh thu mua trong và ngoài tỉnh; tham gia các chuỗi khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương nhưng sản lượng nguyên liệu trong nước cũng chỉ đáp ứng được chưa đến 2/3 đơn hàng xuất khẩu của Công ty TNHH Thịnh Hưng. Để đảm bảo sản xuất, DN đã nhập nguyên liệu cá ngừ từ các nước như: Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia…
Theo lãnh đạo Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ cho các DN chế biến xuất khẩu cá ngừ là chuyện lâu nay. Bởi nguyên liệu tại chỗ chỉ đáp ứng 30 - 35%, số còn lại các DN đều nhập khẩu từ các nước. Trong khi đó, chỉ các nhà máy chế biến lớn mới có đủ năng lực và khả năng nhập nguyên liệu, còn nhà máy chế biến nhỏ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu trong nước.
HẢI LĂNG