Giai đoạn 2016 - 2020, việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã có những tác động tích cực, tạo điều kiện ổn định kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước nâng cao đời sống người dân.
Giai đoạn 2016 - 2020, việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã có những tác động tích cực, tạo điều kiện ổn định KT-XH của địa phương, từng bước nâng cao đời sống người dân.
Nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã hỗ trợ 555 hộ ĐBDTTS (trong đó có 389 hộ nghèo và 166 hộ cận nghèo) với tổng kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng để triển khai các mô hình trồng chuối, thơm, bưởi da xanh, keo, điều, nuôi dúi, bò, gà, heo, dê... Thực hiện chính sách an sinh xã hội, huyện đầu tư 6,5 tỷ đồng để xây dựng, đưa vào sử dụng 28 giếng khoan và bể chứa lắng lọc phục vụ nhu cầu của hơn 1.200 hộ ĐBDTTS thiếu nước sinh hoạt tại các xã: Khánh Bình, Khánh Đông, Cầu Bà, Sông Cầu, Khánh Phú, Khánh Nam, Sơn Thái và thị trấn Khánh Vĩnh... Huyện còn hỗ trợ hệ thống đấu nối lắp đặt đồng hồ sử dụng nước tại 2 xã Sông Cầu và Khánh Thành cho 127 hộ ĐBDTTS, kinh phí thực hiện hơn 494,7 triệu đồng; hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án hỗ trợ lắp đặt đường dây điện cho 311 hộ gia đình ở 11 xã, thị trấn với kinh phí hơn 920 triệu đồng.
Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, cơ sở hạ tầng giao thông vào các khu sản xuất của huyện đã được đầu tư với tổng chiều dài hơn 6,7km, kinh phí hơn 19 tỷ đồng. Hiện nay, huyện tiếp tục triển khai thi công 9 dự án từ năm 2019, 2020 thuộc nguồn vốn Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi chuyển sang nguồn vốn Chương trình 30a (Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo), tổng nguồn vốn thực hiện hơn 18 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện đã phê duyệt danh sách 304 hộ nghèo có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh và giải ngân cho 63 hộ hơn 2 tỷ đồng. Trong công tác bóc tách đất sản xuất, năm 2016, địa phương bóc tách 388,93ha; năm 2019, bóc tách 129,83ha để giao cho người dân sản xuất.
Một số kết quả tích cực của Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020: Tỷ lệ hộ nghèo là ĐBDTTS giảm bình quân hơn 9%/năm; thu nhập bình quân của ĐBDTTS đạt 16 triệu đồng/năm; tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 100%... |
Công tác tuyên truyền cũng được huyện quan tâm triển khai, góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người dân. Nội dung tuyên truyền tập trung về chính sách hỗ trợ, xây dựng nhân rộng mô hình sản xuất; hậu quả và tác hại của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS, nâng cao nhận thức pháp luật cho ĐBDTTS... Ngoài ra, địa phương đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh (Ban Dân tộc, Hội Nông dân...) tổ chức các lớp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho ĐBDTTS, đặc biệt là những chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.
Theo ông Hường, các chương trình, chính sách phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi triển khai trên địa bàn đã mang lại hiệu quả tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu khu vực ĐBDTTS và miền núi được hoàn thiện theo tiêu chí nông thôn mới; đảm bảo tạo được quỹ đất; các mô hình phát triển sản xuất về trồng trọt và chăn nuôi tiếp tục được khuyến khích phổ biến, nhân rộng, từ đó nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững đối với ĐBDTTS, miền núi. Thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương để phát triển kinh tế; tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình, nhất là đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi; đẩy mạnh công tác giảm nghèo; tập trung giải quyết cơ bản nhà ở dột nát, thiếu nước sinh hoạt và đất sản xuất...
VĨNH THÀNH