Tuy đã triển khai nhiều giải pháp nhưng Đề án phát triển vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020 đã không đạt mục tiêu đề ra. Giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục đề ra nhiều giải pháp để phát triển mạnh hơn vật liệu xây không nung.
Tuy đã triển khai nhiều giải pháp nhưng Đề án phát triển vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020 đã không đạt mục tiêu đề ra. Giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục đề ra nhiều giải pháp để phát triển mạnh hơn vật liệu xây không nung (VLXKN).
41 lò gạch chưa đóng cửa
Để góp phần giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, hạn chế việc sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất gạch, năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ gạch xây không nung thay thế gạch đất sét nung tối thiểu 40%, tương ứng nhu cầu gạch không nung đến năm 2020 tối thiểu đạt 255 triệu - 360 triệu viên; chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, bao gồm lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Năm 2016, toàn tỉnh có 108 lò gạch thuộc diện đến năm 2020 phải đóng cửa. Đến ngày 31-12-2020, có 6/8 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn tất việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công; còn 41 lò nằm công nghệ Hoffman (2 lò tại Vạn Ninh và 39 lò tại Ninh Hòa) chưa đóng cửa.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, triển khai thực hiện đề án nói trên, UBND thị xã đã chi hỗ trợ tháo dỡ 65 lò gạch thủ công (lò đứng) cho 29 cơ sở kinh doanh, mỗi lò được hỗ trợ 20 triệu đồng; qua đó, cơ bản chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò đứng. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn thị xã vẫn còn 39 cơ sở sản xuất gạch bằng lò nằm chưa đóng cửa. Nguyên nhân là do vốn đầu tư các lò này rất lớn, 700 - 800 triệu đồng/lò, trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ 20 triệu đồng/lò khiến cho việc chấm dứt gặp nhiều khó khăn. Chủ cơ sở mong muốn Nhà nước xem xét nâng mức hỗ trợ hoặc cho phép tồn tại đến năm 2025 để có điều kiện thu hồi vốn.
Nhạt nhòa vật liệu không nung
Song song với việc chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh cũng đẩy mạnh các giải pháp phát triển vật liệu không nung để thay thế. Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển các cơ sở sản xuất gạch không nung. Các dự án xây dựng có vốn đầu tư ngân sách cũng ưu tiên sử dụng gạch không nung… Tuy vậy, kết quả đạt được khá hạn chế.
Ở lĩnh vực nghiên cứu, năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 30% kinh phí sự nghiệp khoa học tỉnh để Công ty Cổ phần Vật liệu mới Asia 96 phối hợp với Trường Đại học Nha Trang nghiên cứu điều chế chất kết dính để sản xuất VLXKN từ nguyên liệu sẵn có tại Khánh Hòa. Tuy nhiên, quá trình xét duyệt đề cương hội đồng đánh giá không bảo đảm tính khả thi nên nhiệm vụ không được triển khai. Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ, tuy tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, ứng dụng kết quả đề tài khoa học và công nghệ vào sản xuất VLXKN nhưng cả giai đoạn 2016 - 2020 chưa có doanh nghiệp nào tham gia thực hiện.
Nhiều năm nay, các địa phương đều yêu cầu 100% công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước sử dụng hoàn toàn vật liệu không nung. Đây là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển vật liệu không nung. Tuy nhiên, đối với các công trình xây dựng dân dụng, người dân vẫn thường dùng các loại gạch nung nên gạch không nung vẫn khó phát triển. Huyện Khánh Sơn có 100% công trình có vốn đầu tư ngân sách và 50% công trình của hộ gia đình đã sử dụng gạch không nung; giai đoạn 2014 - 2018, trên địa bàn huyện có 4 cơ sở sản xuất vật liệu xây, lợp không nung với tổng công suất khoảng 50.000 viên/tháng. Tuy nhiên, đến nay, cả 4 cơ sở này đều đã tạm ngừng hoạt động.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 30 cơ sở sản xuất gạch xây không nung, tổng công suất thiết kế khoảng 320 - 370 triệu viên/năm. Các cơ sở này chủ yếu sản xuất gạch xi măng cốt liệu (gạch block). Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm, chủ yếu cung cấp cho các công trình sử dụng vốn Nhà nước, còn các công trình khác chưa có thói quen sử dụng VLXKN, do vậy, các cơ sở chỉ sản xuất khi có hợp đồng hoặc đơn hàng.
Cần quyết liệt hơn
So sánh với mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ gạch xây không nung thay thế gạch đất sét nung tối thiểu 40%, kết quả, gạch xây không nung chiếm khoảng 25% tổng sản lượng vật liệu xây dựng. Theo đánh giá của Sở Xây dựng, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng VLXKN đã chiếm 25% là một con số đáng khích lệ; hàng năm tiết kiệm được lượng lớn đất sét, giảm tiêu thụ than và giảm lượng khí thải ra môi trường.
5 năm thực hiện đề án, các sở, ngành, địa phương đánh giá nguyên nhân VLXKN chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường là do hệ thống văn bản pháp quy về VLXKN như: Tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế và thi công... chưa được hoàn chỉnh nên chưa tạo được niềm tin cho đa số người sử dụng; các chính sách ưu đãi trong đầu tư sản xuất VLXKN đã được ban hành nhưng vẫn chưa thực hiện đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất VLXKN chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định, chưa có hướng dẫn sử dụng quỹ chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ và vừa, trình độ công nghệ chỉ đạt mức trung bình, cho ra sản phẩm chất lượng thấp, có tình trạng gạch bê tông chưa đủ ngày tuổi đã đưa vào công trình gây hiện tượng co ngót trong khối xây, gây nứt. Các đơn vị sản xuất chưa quan tâm đến công tác quảng bá, công bố và cung cấp các chứng nhận về chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng hay hướng dẫn kỹ thuật thi công cụ thể cho công nhân thi công, dẫn đến người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng vào các sản phẩm VLXKN.
Giai đoạn tới, cùng với việc giải quyết các nguyên nhân, tồn tại nói trên, các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện triệt để việc xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; quyết liệt triển khai thực hiện Quyết định số 4013 ngày 26-12-2016 của UBND tỉnh phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, phát triển mạnh hơn các sản phẩm VLXKN, thực hiện công nghiệp hóa xây dựng, đồng thời tiết kiệm nguồn đất sét ngày càng cạn dần; khuyến khích mạnh mẽ vào hoạt động đầu tư sản xuất VLXKN theo công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, đa dạng chủng loại sản phẩm về kích thước, màu sắc để giúp cho những nhà thi công có thể lựa chọn theo yêu cầu. Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng và tính năng của sản phẩm VLXKN nhằm hạn chế các khuyết điểm trong quá trình thi công; tổ chức quản lý, kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường và trong sử dụng nhằm cạnh tranh với vật liệu nung truyền thống.
Hồng Đăng