Mới đây, tại thành phố Nha Trang, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Theo đó, qua 2 lần họp trực tuyến với tổng cục, đoàn thanh tra EC tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần phải khắc phục.
Mới đây, tại TP. Nha Trang, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Theo đó, qua 2 lần họp trực tuyến với tổng cục, đoàn thanh tra EC tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần phải khắc phục.
Xuất khẩu liên tục giảm
Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, sau 3 năm EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản sang thị trường EU (Liên minh châu Âu) giảm rõ rệt: Năm 2018 giảm 6%, năm 2019 giảm 15% và 9 tháng năm 2020 giảm 13%. Dự báo cả năm 2020, giá trị xuất khẩu hải sản sang EU có thể đạt 340 triệu USD, giảm 10% so với năm 2019 và doanh số giảm 28% so với năm 2017. Từ năm 2018, khi Việt Nam bị cảnh báo “thẻ vàng” khai thác IUU, thị trường EU từ vị trí thứ hai trong top thị trường xuất khẩu hải sản của Việt Nam đã tụt xuống thứ 5, sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN.
Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khai thác thủy sản đã góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động trên biển; kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm hơn 600 triệu USD, chiếm đến 60% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Việc EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã khiến cho chế biến, xuất khẩu của 44 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu tác động rất lớn. Ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh giảm đến 22,6%, kéo theo đời sống của ngư dân, công nhân gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực đã tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường EU. Tuy nhiên, muốn vào được thị trường này, các sản phẩm thủy sản phải đảm bảo được vấn đề về chống khai thác IUU, chỉ khi gỡ được “thẻ vàng” thì xuất khẩu thủy sản sang EU mới thuận lợi. Không riêng gì thị trường này mà các thị trường khác như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cũng bắt đầu kiểm soát khai thác IUU.
Những vấn đề cần giải quyết
Theo bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế Tổng cục Thủy sản, qua 2 cuộc họp trực tuyến (vào tháng 6 và tháng 10 năm nay) với Tổng cục Thủy sản về khai thác IUU, đoàn thanh tra EC đã chỉ ra nhiều vấn đề mà Việt Nam vẫn chưa thể khắc phục triệt để như: Công tác kiểm soát tàu cá, nhất là vẫn còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; giám sát sản lượng khai thác chưa chặt chẽ; chưa đảm bảo 100% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; việc thực thi pháp luật trong chống khai thác IUU mỗi địa phương áp dụng một hình thức khác nhau, chưa thống nhất…
Để tiếp tục khắc phục “thẻ vàng” của EC, ngành thủy sản tỉnh tập trung thực hiện 17 nhóm giải pháp mà Tổng cục Thủy sản đề ra. Trước mắt, tiếp tục ngăn chặn hiệu quả tàu cá có dấu hiệu vi phạm IUU, không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, tập trung khắc phục những tồn tại trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng nhằm đảm bảo kiểm soát 100% sản lượng cập bến tại các cảng cá, thu hồi 100% nhật ký khai thác của tàu cá cập cảng để lên cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản xuất sang thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU theo quy định tại Nghị định số 42 (năm 2019) của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Trước hết, tập trung xử lý các hành vi không thông báo khi tàu cá cập cảng; tàu cá không lắp thiết bị giám sát hành trình, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình tàu cá đang hoạt động trên biển…
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Quản lý cảng Hòn Rớ, hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 133 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và nhiều tàu cá chưa thực hiện đăng ký cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, ban quản lý cảng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý chặt, không cho tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chưa có chứng nhận an toàn thực phẩm xuất bến; sẽ xử lý nghiêm tàu cá cố tình vi phạm.
Ông Nguyễn Quang Hùng nhận định: Sau hơn 3 năm thực hiện gỡ “thẻ vàng” thủy sản, các địa phương, trong đó có Khánh Hòa đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong thực hiện những khuyến nghị của EC. Việc địa phương kiên quyết ngăn chặn, tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài là một trong những nội dung tiên quyết để phía EC có thể xem xét gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian tới, địa phương phải thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU khẩn trương và đồng bộ để tạo được đột phá.
HẢI LĂNG