Thời gian qua, người nuôi cá chim, cá bớp lồng bè ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa lao đao khi cá chết hàng loạt. Môi trường nuôi không đảm bảo là nguyên nhân chính của hiện tượng này.
Thời gian qua, người nuôi cá chim, cá bớp lồng bè ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa lao đao khi cá chết hàng loạt. Môi trường nuôi không đảm bảo là nguyên nhân chính của hiện tượng này.
Cá chết hàng loạt
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, vào trung tuần tháng 7-2020, nhận được thông tin từ địa phương về hiện tượng cá chết hàng loạt, cơ quan thú y đã tiến hành điều tra dịch tễ. Kết quả cho thấy, vùng nuôi lồng bè tại Hòn Lăng, Ninh Ích có 42 hộ nuôi cá, tổng số 700 ô lồng, kích cỡ lồng phổ biến dài 4m, rộng 4m và cao 4m. Nơi đây chủ yếu nuôi cá bớp, cá chim, cá mú, cá chẽm... Trong đó, cá chim, cá bớp đang ở độ tuổi từ 2 đến 5 tháng tuổi, mật độ nuôi từ 200 đến 300 con/lồng tùy theo độ tuổi cá. Thức ăn cho cá chim là thức ăn công nghiệp dạng viên. Thức ăn cho cá bớp là cá tạp và phụ phẩm cá đông lạnh.
Thời điểm kiểm tra, 2 loại cá chết nhiều nhất trong vùng là cá chim và cá bớp. Trong đó, có 2 hộ nuôi có cá chết nhiều nhất. Cụ thể, hộ ông Nguyễn Ngỡ nuôi 1.000 con cá bớp, 3.000 con cá chim và 5.000 con cá chẽm. Trong đó, cá bớp đã nuôi được 5 - 6 tháng, cỡ cá khoảng 1kg/con, tỷ lệ chết trên 95%. Còn hộ ông Nguyễn Văn Nghiệp có 16 lồng nuôi, trong đó có 2 lồng tròn theo công nghệ lồng nhựa HPV của Đài Loan (đường kính 15m) nuôi cá chim. Thời điểm cá chết có kích cỡ bình quân 0,4kg/con, tỷ lệ cá chết trên 86%. Ngoài ra, cá chim có hiện tượng chết rải rác tại một số hộ nuôi khác trong vùng nuôi.
Ông Trương Quốc Tường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích cho biết, thời gian qua, hiện tượng cá chết xảy ra nhiều nhất ở hộ Nguyễn Văn Nghiệp. Thiệt hại của hộ này ước hơn 8 tỷ đồng. Ngoài ra, các hộ nuôi trong khu vực cũng có cá chết lác đác. Một số hộ nuôi thiếu ý thức, vứt xác cá ra vùng nước, tình trạng xác cá chết trôi nổi trên biển và dạt vào bờ xảy ra nhiều, nhất là ở bờ biển khu vực thôn Ngọc Diêm, Ninh Ích, cách khu vực nuôi ở Hòn Lăng khoảng 3 hải lý. Hội Nông dân xã đã phải vận động hội viên nông dân tổ chức vớt cá, đưa đi chôn lấp. Tổng thiệt hại do cá chết đến thời điểm này ở Hòn Lăng hơn 15 tỷ đồng.
Môi trường nuôi chưa đảm bảo
Theo một số hộ nuôi cá ở khu vực này, vào ngày 14-7, một cơn mưa rất lớn đã xảy ra trên biển khiến cho khu vực nuôi trồng thủy sản ở Hòn Lăng bị thiếu oxy cục bộ, dẫn đến cá chết hàng loạt. Còn theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, qua kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, kết hợp với thông tin dịch tễ tại vùng nuôi, mẫu cá chim và cá bớp bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus sp dẫn đến hiện tượng trầy da, tróc vẩy, giảm sức đề kháng, bỏ ăn. Điều này cộng với hiện tượng thay đổi đột ngột của môi trường vùng nuôi khiến cá chết hàng loạt.
Để hạn chế thiệt hại, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đã tổ chức thu hoạch sớm. Hiện nay, tại khu vực nuôi chủ yếu là các hộ có cá còn nhỏ. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, người nuôi cần theo dõi chặt chẽ các biến động môi trường để kịp thời xử lý, di chuyển lồng bè, di chuyển cá, tăng sức đề kháng cho cá; thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương về những bất thường xuất hiện tại vùng nuôi. Đồng thời, theo dõi dự báo thời tiết, hiện tượng thay đổi dòng chảy, màu nước để có biện pháp xử lý; vệ sinh lồng kỹ lưỡng trước vụ nuôi; tăng trao đổi nước trong các lồng nuôi; sử dụng hợp lý các chế phẩm sinh học; bổ sung các loại thức ăn, vitamin C và men tiêu hóa vào khẩu phần ăn cho cá; điều trị bằng kháng sinh nếu cá có dấu hiệu bệnh lý nhiễm khuẩn rõ ràng. Đặc biệt, vớt cá chết đưa lên bờ để chôn, không vứt cá chết ra vùng nước nuôi chung gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh...
Hồng Đăng