Giảm diện tích lúa, mía; chuyển đổi mạnh cây trồng; tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp là 3 nhiệm vụ trọng tâm được UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) xác định trong việc tái cơ cấu lại cây trồng giai đoạn tới.
Giảm diện tích lúa, mía; chuyển đổi mạnh cây trồng; tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp là 3 nhiệm vụ trọng tâm được UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) xác định trong việc tái cơ cấu lại cây trồng giai đoạn tới.
Xác định cây chủ lực
Theo lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, đối với lĩnh vực cây trồng, địa phương xác định 3 cây trồng chủ lực đó là lúa, mía và tỏi.
Tính đến hết tháng 6-2020, thị xã có 11.500ha đất trồng lúa, trong đó có 7.800ha đất trồng lúa 2 vụ. Đây là vùng chuyên canh lúa có diện tích lớn, đất có độ phì nhiêu cao, nguồn nước tưới chủ động và ổn định, cơ sở hạ tầng phục vụ tốt cho việc sản xuất lúa và lúa giống. Tại đây, nông dân đã thực hiện trồng các giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận; mỗi héc-ta lúa ở đây có thể mang về cho nông dân thu nhập bình quân khoảng 25 triệu đồng/vụ. Còn với diện tích đất lúa 1 vụ, ở những chân ruộng cao khó khăn về nước tưới vào mùa khô hạn được khuyến khích và tập trung chuyển sang một số cây trồng chịu hạn có hiệu quả hơn. Từ năm 2017 đến nay, Ninh Hòa đã chuyển đổi được gần 120ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng hẹ, sen, bắp, rau, đậu các loại…
Mía đường từ lâu là cây chủ lực, mang về thu nhập ổn định cho người dân Ninh Hòa. Toàn thị xã có khoảng 11.000ha đất trồng mía, phân bổ chủ yếu ở các xã cánh tây như: Ninh Tây, Ninh Thượng, Ninh Sim, Ninh Tân... Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết khắc nghiệt, khô hạn liên tục xảy ra, cùng với giá thu mua mía giảm, việc trồng mía kém hiệu quả nên người dân không còn mặn mà, diện tích cũng vì thế giảm xuống. Nếu niên vụ 2019 - 2020, thị xã có khoảng 8.200ha mía thì niên vụ 2020 - 2021, chỉ còn khoảng 7.500ha.
Với cây tỏi, đây là cây trồng tương đối mới tại địa phương. Tuy nhiên nhờ hiệu quả, diện tích trồng tỏi tăng lên nhanh chóng, hiện nay đã đạt 220ha, năng suất tỏi tươi đạt 12 tấn/ha. Với giá thu mua bình quân khoảng 30.000 đồng/kg, nông dân có thể thu nhập 100 triệu đồng/ha.
Ngoài 3 cây trồng chủ lực trên, thị xã Ninh Hòa cũng xác định một số cây trồng có xu hướng phát triển mạnh thời gian gần đây. Chẳng hạn như diện tích dừa xiêm hiện nay đã đạt 350ha, cho thu nhập ổn định ở mức cao hơn rất nhiều so với vườn rẫy tạp. Diện tích rau, đậu cũng đã đạt 1.900ha với mức thu nhập tốt hơn nhiều so với vườn tạp, lúa 1 vụ trước đó.
Sẽ giảm mạnh trồng mía
Giai đoạn 2021 - 2025, Ninh Hòa xác định chỉ giữ lại khoảng 7.000ha mía đường. Diện tích này sẽ được tập trung cải tạo ruộng đồng nhằm áp dụng triệt để máy móc ở tất cả các khâu, từ làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch mía; cải tiến giống mía nhằm tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, cùng với doanh nghiệp bao tiêu mía đường triển khai các giải pháp để mang về lợi nhuận tốt hơn cho người trồng mía. Phần diện tích còn lại, khoảng gần 4.000ha sẽ được khuyến khích chuyển sang trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả. Địa phương cũng đã kiến nghị, đề xuất tỉnh và các sở, ngành liên quan quan tâm đầu tư xây mới và nâng cấp hệ thống thủy lợi hiện có nhằm tăng diện tích chủ động nước tưới. Bởi hơn 11.000ha đất trồng mía hiện nay mới chỉ có khoảng 15% diện tích chủ động về nước tưới. Việc chuyển đổi, cơ cấu lại cây trồng gặp nhiều khó khăn trên những khu vực sản xuất chưa chủ động về nước tưới.
Ở một số nội dung chính yếu khác, hiện nay, việc xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng và đề xuất phân bón cải tạo đất trồng lúa tại các xã: Ninh An, Ninh Quang, Ninh Thọ đã hoàn thành và ứng dụng vào thực tế. Thị xã Ninh Hòa tiếp tục thực hiện điều tra nhằm đánh giá chất đất, thổ nhưỡng để từ đó đưa ra được những khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng tại các xã, phường trọng điểm về cây lúa. Còn khu vực nội thị đang trồng lúa dạng manh mún, nhỏ lẻ được định hướng chuyển sang trồng rau màu theo hướng chuyên canh, trồng sạch.
Năm 2020, thị xã đã điều tra thổ nhưỡng tại 3 xã Ninh Tân, Ninh Sim, Ninh Thượng. Đây là 3 xã có nhu cầu chuyển đổi cây trồng bức thiết nhất nhưng lại chưa thực sự tìm kiếm được loại cây phù hợp. Việc điều tra thổ nhưỡng sẽ cung cấp dữ liệu khoa học về đất sản xuất nông nghiệp cũng như cây trồng thích hợp. Trong đó, 3 xã này cùng với các xã: Ninh Trung, Ninh Sơn, Ninh Tây đang được định hướng trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp lâu năm, tập trung đưa diện tích cây ăn quả của thị xã phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới.
Hồng Đăng