Những năm qua, huyện Khánh Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Giai đoạn 2020 - 2025, huyện tiếp tục nỗ lực phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững.
Những năm qua, huyện Khánh Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Giai đoạn 2020 - 2025, huyện tiếp tục nỗ lực phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững.
Tăng cường công tác quản lý bảo vệ
Ông Đỗ Lam Điền - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn cho biết, Khánh Sơn có tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp hơn 26.700ha. Hiện nay, trên địa bàn có hơn 2.280ha đất rừng đặc dụng, gần 14.000ha đất rừng phòng hộ và hơn 10.490ha đất rừng sản xuất; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 63,6%. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện, xử lý kịp thời. Toàn huyện không để xảy ra “điểm nóng” phá rừng, tình trạng vi phạm chỉ diễn ra nhỏ lẻ ở một vài địa phương. Nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được các địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện hiệu quả.
Xác định giữ rừng từ gốc là mục tiêu, cũng là việc làm lâu dài và gian nan, lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở ở Khánh Sơn đang cố gắng thực hiện tốt mục tiêu 3 giảm: Giảm diện tích rừng bị cháy, bị phá; giảm số vụ vi phạm; giảm sai sót trong các hoạt động nghiệp vụ. Để thực hiện tốt các mục tiêu này, Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn đã phối hợp với đơn vị chủ rừng, chính quyền cấp xã tuyên truyền, vận động người dân không tham gia hoặc tiếp tay cho các đối tượng phá rừng; tăng cường tuần tra những địa điểm có rừng thường xuyên bị phá, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lâm sản để kịp thời xử lý, nhất là địa bàn giáp ranh giữa các xã và huyện khác. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các trạm kiểm lâm và kiểm lâm viên để ngăn chặn công chức vi phạm trong quá trình công tác.
Thực hiện các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, bên cạnh tập trung bảo vệ rừng, địa phương còn chú trọng phát triển rừng sản xuất. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã tổ chức 25 lớp tập huấn cho 1.000 lượt người dân về kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc keo lai; phát triển được gần 1.100ha rừng sản xuất. Từ hiệu quả kinh tế của các mô hình trồng rừng, ngày càng nhiều hộ tham gia trồng rừng ở diện tích quy hoạch lâm nghiệp, qua đó góp phần phòng, chống sạt lở, tăng độ che phủ rừng.
Phát triển rừng bền vững
Hiện nay, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, khiến cho việc phát triển lâm nghiệp chưa bền vững. Diện tích rừng trải dài trên địa bàn toàn huyện, trong khi nhu cầu về lâm sản, đất sản xuất ngày càng tăng khiến cho áp lực lên tài nguyên rừng rất lớn. Tình trạng khai thác lâm sản trái phép tuy không trở thành “điểm nóng” nhưng vẫn xảy ra ở một số địa bàn như: Thành Sơn, Sơn Lâm. Đặc biệt, khi cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, nhu cầu đất sản xuất rất lớn, tại một số địa phương đã diễn ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Việc huy động người dân tham gia phát triển rừng, nhận khoán bảo vệ rừng vẫn còn khó khăn…
Giai đoạn 2020 - 2025, huyện Khánh Sơn đề ra mục tiêu đến năm 2025, độ che phủ rừng đạt 65%. Để thực hiện mục tiêu này, huyện sẽ tiến hành khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 150ha rừng, trồng mới 250ha rừng sản xuất, trồng 180ha rừng thay thế; mỗi năm giao khoán bảo vệ 1.200ha rừng phòng hộ. Ngoài ra, địa phương còn định hướng bình quân mỗi năm khai thác được 20.000m3 gỗ rừng trồng nguyên liệu. Để bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng, nhà máy dăm gỗ công suất 15.000m3 nguyên liệu/năm đã được xây dựng tại xã Sơn Hiệp, đảm bảo thu mua khoảng 70% sản lượng gỗ nguyên liệu trên địa bàn. Huyện còn chủ trương hỗ trợ khôi phục và phát triển nghề đan lát thủ công mỹ nghệ sử dụng nguyên liệu cây lồ ô, cây măng le...; hỗ trợ, phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, nghề mộc dân dụng tại các địa phương...
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, để phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, UBND huyện sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc giao rừng gắn với giao đất, trong đó quan tâm giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sống gần rừng; khuyến khích và hỗ trợ trồng rừng thâm canh, trồng cây bản địa lấy gỗ, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến sâu các sản phẩm.
HẢI LĂNG