Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2019, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt heo từ các nước vào Việt Nam với tổng lượng hơn 67 nghìn tấn, tăng 63% so với năm 2018 (khi chưa có bệnh dịch tả heo châu Phi).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2019, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt heo từ các nước vào Việt Nam với tổng lượng hơn 67 nghìn tấn, tăng 63% so với năm 2018 (khi chưa có bệnh dịch tả heo châu Phi). 5 tháng đầu năm 2020 (tính đến hết ngày 30-5), Việt Nam có 129 doanh nghiệp nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt heo từ các nước với tổng lượng thịt heo nhập khẩu hơn 67.638 tấn, tăng 298% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu từ các nước: Canada, Đức, Ba Lan, Braxin, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Liên bang Nga. Về heo giống, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 7.700 con, tăng hơn 300% so với tổng số heo giống nhập khẩu năm 2019.
Nhập khẩu thịt heo được cho là bài toán cuối cùng nhằm đa dạng hóa nguồn cung, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, việc nhập khẩu thịt heo thời điểm hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do nguồn heo của cả thế giới giảm, khiến việc tìm được các nguồn cung cấp với giá hợp lý không dễ. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rà soát, khẩn trương chi trả kinh phí cho các hộ, cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi để có nguồn lực tái đàn, tăng đàn heo; đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng tại địa phương có chính sách ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo của ngành Ngân hàng. Đồng thời, tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng các thực phẩm thay thế như thịt gia súc khác, thịt gia cầm, trứng và thủy hải sản.
M.H (Tổng hợp)