Hiện nay, người trồng khoai sáp ở xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đang thu hoạch sớm khoai sáp bởi dịch bệnh, hạn hán đang uy hiếp, có nguy cơ mất trắng.
Hiện nay, người trồng khoai sáp ở xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đang thu hoạch sớm khoai sáp bởi dịch bệnh, hạn hán đang uy hiếp, có nguy cơ mất trắng.
Nhổ bán non
Những ngày này, trên các cánh đồng ở Cam Hòa, nhiều nhóm nông dân đang tranh thủ thu hoạch khoai sáp, bởi nếu để thêm một thời gian nữa sẽ thất thu. Những củ khoai nhỏ chỉ bằng 1/3 - 1/2 so với chính vụ nhưng bệnh đã xâm lấn vào trong.
Vụ này, ông Huỳnh Duy Hải (thôn Vinh Bình) chỉ trồng 1 sào (1.000m2). Đến thời điểm này, ruộng khoai mới được 6 tháng nhưng ông phải thu hoạch sớm. “Thường vụ khoai kéo dài 8 tháng, 2 tháng nữa mới đúng lịch thu nhưng chúng tôi buộc phải thu vì hiện tượng thối củ, ăn luồng vào trong, làm hỏng cả củ. Nếu để một thời gian nữa củ sẽ hỏng toàn bộ và không thu được gì”, ông Hải nói.
Theo người dân, mấy năm nay thị trường khoai sáp khan hiếm do dịch bệnh dai dẳng, sản lượng thấp. Tuy nhiên, hiện nay khoai bán ra giá không tăng mà còn giảm. Nguyên nhân là do chất lượng củ còn non, lượng tinh bột ít, thương lái ép giá. Khoai loại 1 mua với giá 16.000 đồng/kg (bình thường 20.000 - 22.000 đồng/kg); loại 2 giá chỉ đạt 6.000 đồng/kg. Người trồng khoai sáp bấm bụng bán lỗ nhằm vớt vát vốn. Ông Hải đầu tư hết 10 triệu đồng nhưng bây giờ bán chưa chắc đã đủ vốn vì năng suất chỉ bằng 30 - 40% so với chính vụ (15 - 16 tấn/ha).
Thời điểm vụ đông xuân, nguồn nước còn khá dồi dào, ruộng khoai “ăn theo” nước thủy lợi. Hiện nay nguồn nước căng thẳng, nguồn cấp không còn, buộc người dân phải bơm tưới nhưng nhiều giếng cũng trơ đáy. Ông Ngô Xuân Hiền (thôn Vinh Bình) cho biết, ông kéo ống ra ruộng khoai bơm nước từ sáng đến trưa nhưng chẳng thấm vào đâu. Nếu để cho nước phủ một lượt cả ruộng khoai phải mất cả ngày vì nước ít, bơm một lúc phải nghỉ. Ông có 2 sào khoai nhưng với tình trạng này cũng phải nhổ sớm. Nước không cung cấp đủ, cây thoi thóp càng thúc đẩy tình trạng thối củ nhanh hơn.
Cần tuân thủ chế độ luân canh
Những năm trước, khoai sáp được xem là cây chủ lực của xã Cam Hòa, diện tích lúc cao điểm có thể lên tới hàng trăm héc-ta, thôn nào cũng trồng vì lợi nhuận gấp mấy lần sản xuất lúa. Nhưng hiện nay, cây khoai sáp chỉ co cụm lại trong cánh đồng, nhường chỗ cho cây lúa, cây sen trở lại.
Theo ông Bùi Sương - Tổ trưởng Tổ hợp tác cây khoai sáp xã Cam Hòa, khoai sáp có thời kỳ phát triển mạnh, nhu cầu tiêu thụ, liên kết, bao tiêu sản phẩm lên cao đòi hỏi hình thành hợp tác xã. Nhưng mấy năm nay, dịch thối củ do nấm trên khoai sáp hoành hành làm hợp tác xã, tổ hợp tác lao đao. Ông Sương chuyển ruộng khoai sang lúa, cả tổ hợp tác không ai dám trồng khoai sáp nữa, nhưng dịch bệnh vẫn tái diễn.
Theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bệnh thối củ do nấm trên khoai sáp rất khó tiêu diệt triệt để vì nông dân sản xuất ồ ạt, trong khi chế độ thâm canh quá cao, nước sử dụng quá nhiều làm dịch bệnh có nguy cơ lan rộng. Giải pháp là nên trồng luân canh giữa khoai và lúa và các cây trồng khác để cắt đứt nguồn lây; không nên trồng khoai sáp liên tục trên ruộng. Tuy nhiên, việc tuân thủ này có lúc, có nơi thực hiện chưa triệt để nên bệnh vẫn còn lây lan.
Ông Trần Vy Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hòa cho biết, chính quyền xã cũng như Hội Nông dân xã đã vận động, tuyên truyền nông dân rất nhiều về kỹ thuật thâm canh cây khoai sáp, nên luân canh cây trồng để tránh dịch. Hiện nay, diện tích khoai sáp đã giảm kỷ lục, chỉ còn khoảng 15ha, xen kẽ trên các cánh đồng lúa. Tuy nhiên, một vài hộ vẫn còn tiếc rẻ, trồng liên tục khoai sáp mà không luân canh dẫn tới dịch bệnh chưa dứt. Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục vận động nông dân thực hiện nghiêm chế độ luân canh để cắt đứt nguồn lây, đẩy lùi dịch bệnh.
V.L