10:04, 22/04/2020

Vướng mắc trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản

Đến thời điểm này, công tác quy hoạch nuôi trồng thủy sản trong vịnh Cam Ranh vẫn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Đầu tháng 4, UBND thành phố Cam Ranh đã có văn bản báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để góp ý về việc này.

Đến thời điểm này, công tác quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) trong vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) vẫn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Đầu tháng 4, UBND TP. Cam Ranh đã có văn bản báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để góp ý về việc này.


Chỗ nào cũng vướng


Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, năm 2018, UBND tỉnh ban hành quyết định quy hoạch NTTS, trong đó TP. Cam Ranh có 630ha, gồm: mặt nước vùng đảo Bình Ba 100ha với khoảng 8.000 ô lồng; mặt nước vùng đảo Bình Hưng 30ha với khoảng 1.000 ô lồng; vùng nước tại xã Cam Lập 500ha với khoảng 25.000 ô lồng. Mục tiêu quy hoạch vùng nước tại xã Cam Lập nhằm di dời, sắp xếp lại toàn bộ lồng bè đang nuôi trong vịnh.

 

zzLồng bè nuôi tôm hùm ở đảo Bình Ba bị trùng quy hoạch thao trường huấn luyện và thực hành sử dụng vũ khí trên biển của Bộ Quốc phòng.

Lồng bè nuôi tôm hùm ở đảo Bình Ba bị trùng quy hoạch thao trường huấn luyện và thực hành sử dụng vũ khí trên biển của Bộ Quốc phòng.


Tuy nhiên, khi UBND thành phố căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ “Về việc xác định vị trí thao trường huấn luyện và thực hành sử dụng vũ khí trên biển” (ban hành năm 2011) thì toàn bộ diện tích đất liền trên đảo Bình Ba và mặt nước quanh đảo nằm hoàn toàn trong khu vực quy hoạch huấn luyện nên Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân không đồng ý đưa diện tích mặt nước đảo Bình Ba vào quy hoạch NTTS. Ngoài ra, căn cứ Quyết định số 44 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế đảm bảo an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh thì phần nước phía đông vịnh Cam Ranh thuộc quản lý của Vùng 4 Hải quân nên không được bổ sung quy hoạch.

 

Ngư dân ở đảo Bình Ba thu hoạch tôm hùm.

Ngư dân ở đảo Bình Ba thu hoạch tôm hùm.


Lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh cho rằng, các đồ án quy hoạch hiện có tại đảo Bình Ba từ năm 2011 đến nay đều trái quy định pháp luật vì Chính phủ đã quy hoạch thao trường huấn luyện và thực hành sử dụng vũ khí trên biển. Ngoài ra, theo Thông tư số 20/2019 của Bộ Giao thông vận tải về công bố vùng nước cảng biển thuộc địa phận Khánh Hòa và Ninh Thuận, trừ mặt nước do Quân chủng Hải quân quản lý thì toàn bộ vùng mặt nước phía tây, phía nam vịnh Cam Ranh và phía đông bán đảo Cam Lập được Bộ Giao thông vận tải giao Cảng vụ Hàng hải Nha Trang quản lý. Như vậy, 500ha quy hoạch NTTS ở Cam Lập theo quyết định năm 2018 của UBND tỉnh cũng do Cảng vụ Hàng hải Nha Trang quản lý. Còn lại, 30ha tại vùng biển đảo Bình Hưng hiện nay chưa xác định được ranh giới mặt nước ven bờ biển giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận nên không thể triển khai thực hiện quy hoạch.


Kiến nghị tháo gỡ

 

Hiện nay, tình trạng NTTS tự phát trên vịnh Cam Ranh diễn ra rất phức tạp. Thống kê sơ bộ, toàn thành phố có hơn 50.000 lồng bè, trong đó có hơn 40.000 lồng nuôi tôm hùm. Ngoài người dân địa phương, còn có rất nhiều người từ vùng khác đến nuôi với quy mô lớn. Việc này dẫn đến những hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, năng suất và chất lượng thủy sản không cao…
 

Theo ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, người dân đã sinh sống trên đảo Bình Ba từ rất lâu và nghề đánh bắt, NTTS trên vịnh Cam Ranh gắn liền với cuộc sống của họ, là nguồn thu nhập chính của đa số cư dân. Vì vậy, thành phố đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh làm việc với Quân chủng Hải quân và Bộ Quốc phòng xem xét, tháo gỡ vướng mắc để người dân được tiếp tục sinh sống ổn định lâu dài và NTTS tạo kế sinh nhai.


Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, trong khi chờ ý kiến của Bộ Quốc phòng, thành phố đề nghị UBND tỉnh cho phép UBND thành phố tiếp tục thực hiện các đồ án quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng… và việc cấp phép xây dựng nhà ở cho người dân tại đảo Bình Ba. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh làm việc với Bộ Giao thông vận tải xem xét lại Thông tư số 20/2019, tạo điều kiện quy hoạch vùng NTTS vịnh Cam Ranh để phục vụ đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tránh tình trạng bức xúc trong nhân dân.


VĂN KỲ