Bên cạnh thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh Khánh Hòa còn chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư công nhằm thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Bên cạnh thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh Khánh Hòa còn chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư công nhằm thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Giải ngân chậm
Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2019, tổng vốn đầu tư công của tỉnh gần 5.000 tỷ đồng, trong đó vốn do tỉnh quản lý gần 3.000 tỷ đồng (không gồm vốn dư ngân sách). Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh chỉ giải ngân được hơn 1.300 tỷ đồng, bằng 37% kế hoạch. Riêng nguồn vốn trong nước cấp phát từ ngân sách Trung ương giải ngân chưa tới 40% kế hoạch. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, toàn tỉnh có một số dự án chậm giải ngân có vốn đầu tư lớn như: Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Nha Trang, Tỉnh lộ 2, Đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang, Cơ sở hạ tầng khu trường học, đào tạo và dạy nghề Bắc Hòn Ông, Tỉnh lộ 3, Bệnh viện Đa khoa Nha Trang, đường D30… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ giải ngân còn thấp là do một số dự án thực hiện công tác giải phóng mặt bằng chậm, dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công; thủ tục đầu tư không đạt tiến độ do phải hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án, thiết kế dự toán xây dựng công trình hoặc mới tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu...
Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2020 tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án còn chậm. Các phương án đấu giá quyền sử dụng đất tại Kho cảng Bình Tân, các phòng khám đa khoa khu vực Nha Trang, 22 lô khu tái định cư Vĩnh Thái chưa ban hành nên chưa có vốn bố trí cho các dự án trọng điểm của tỉnh. Một số dự án lại vướng mắc thủ tục phê duyệt, điều chỉnh dự án, thiết kế dự toán…
Đầu tư để đảm bảo tăng trưởng
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành đẩy mạnh bồi thường giải tỏa để thực hiện dự án Tỉnh lộ 3; khẩn trương thực hiện những dự án như: Đập ngăn mặn, dự án vệ sinh môi trường… Các dự án nhà bảo tàng, nhà thiếu nhi cũng phải xem xét, sớm đưa vào đầu tư công. Các nhà đầu tư thứ cấp ở các cụm công nghiệp vướng chỗ nào phải tháo gỡ ngay để họ vào triển khai, từ đó mới kích thích được kinh tế - xã hội phát triển. |
Thời gian tới, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Vì vậy, bên cạnh việc thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành, thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, phải tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Một trong những nội dung UBND tỉnh chú trọng là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, xem đây như một nguồn lực góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và động lực tăng trưởng kinh tế.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương khẩn trương tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh đầu tư công năm 2020. Trong đó, lưu ý các công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai, các dự án lớn, dự án quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài; bảo đảm thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn còn lại của năm 2019 và nguồn vốn được giao năm 2020; đẩy mạnh triển khai việc đấu thầu qua mạng.
Theo ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải pháp đẩy mạnh đầu tư công được lãnh đạo tỉnh khá quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua, vấn đề này triển khai rất chậm. Đây là tồn tại không mới, nhưng năm nào cũng vướng. Ông yêu cầu Sở KH-ĐT nghiên cứu, có biện pháp khắc phục tình trạng này, cần phải quy trách nhiệm cụ thể đối với những bộ phận liên quan.
Được biết, để đẩy mạnh đầu tư công, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ, tổng hợp dự toán; kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn, rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh yêu cầu các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiện toàn hội đồng, ban bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để triển khai các nội dung liên quan.
Đình Lâm