Một nhóm giảng viên bộ môn Kỹ thuật nhiệt lạnh, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Nha Trang đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công thiết bị làm lạnh nước biển điều hòa nhiệt độ cho bể nuôi tôm hùm thương phẩm...
Một nhóm giảng viên bộ môn Kỹ thuật nhiệt lạnh, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Nha Trang đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công thiết bị làm lạnh nước biển điều hòa nhiệt độ cho bể nuôi tôm hùm thương phẩm (gọi tắt là thiết bị làm lạnh). Kết quả thử nghiệm cho thấy, thiết bị hoạt động ổn định, duy trì nhiệt độ nước trong bể nuôi từ 27ºC đến 28ºC, đáp ứng nhu cầu công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm trên cạn.
Thiết kế thiết bị làm lạnh nước biển
Theo Thạc sĩ Lê Như Chính, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, bão lụt khiến nghề nuôi tôm hùm trên biển gặp nhiều khó khăn, tôm dễ lây dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước. Ở Việt Nam đã có một số người thử nghiệm nuôi tôm hùm thương phẩm trên cạn và cho thấy nhiệt độ thích hợp để tôm sinh trưởng tốt khoảng 27ºC đến 28ºC. Trong khi đó, vào mùa hè, nhiệt độ trong bể nuôi ban ngày có khi lên tới 32ºC đến 34ºC, dễ làm cho tôm bị chết. Để khắc phục nhiệt độ cao, người nuôi thường thả nước đá cây có bọc túi ni lông xuống bể để làm lạnh nước biển. Tuy nhiên, cách làm này dễ làm cho tôm bị nhiễm bệnh, khó điều chỉnh được nhiệt độ nước biển trong bể và chi phí khá cao. Cùng lúc đó, Tiến sĩ Mai Duy Minh (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3) tiến hành thực hiện đề tài cấp bộ “Nghiên cứu công nghệ nuôi thâm canh tôm hùm thương phẩm (tôm hùm bông Panulirus ornatus) bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn. Tiến sĩ Minh đặt vấn đề với nhóm (gồm: Trần Đại Tiến, Lê Như Chính, Huỳnh Văn Thạo) về việc thiết kế hệ thống làm lạnh nước biển trong bể, duy trì được nhiệt độ như dưới biển để tôm hùm phát triển bình thường.
Sau khi trao đổi với Tiến sĩ Minh, nhóm tiến hành nghiên cứu và đưa ra nhiều phương án để lựa chọn nhằm tìm ra ưu và nhược điểm của thiết bị. Phương án được nhóm lựa chọn để tính toán, thiết kế và chế tạo là dàn lạnh dạng ống xoắn với ưu điểm vệ sinh dễ dàng, dễ chế tạo, sự chênh lệch nhiệt độ nước vào và ra không lớn nên không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của tôm. Sau hơn 1 tháng nghiên cứu, bước đầu, nhóm đã thiết kế, chế tạo thành công thiết bị làm lạnh. Theo đó, thiết bị hoạt động hoàn toàn tự động, tự điều chỉnh nhiệt độ nước trong bể ổn định thích hợp để tôm sinh trưởng tốt từ 27ºC đến 28ºC.
Kết quả khả quan
Sau khi hoàn thành, thiết bị đã được đưa vào thử nghiệm tại khu vực nuôi tôm hùm của Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung ở dốc Đá Trắng (thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh), Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3. Tiến sĩ Minh cho biết: “Thiết bị hoạt động ổn định. Hàng năm, các thành viên trong nhóm định kỳ bảo trì. Thiết bị chạy trên nguồn điện 3 pha, điều chỉnh nhiệt độ làm mát nước dưới 30oC, làm ấm nước trên 25oC, đáp ứng nhu cầu công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm trên cạn. Đặc biệt, dàn lạnh chịu nước mặn rất tốt, ít gây ồn”.
Nói về quá trình nghiên cứu, Thạc sĩ Chính cho biết, khó khăn lớn nhất là dàn lạnh như thế này trên thị trường hoàn toàn chưa có bán (hoặc không đáp ứng được yêu cầu công nghệ), nhóm phải tự tính toán, thiết kế, chế tạo ra một dàn lạnh mới. Nhóm phải tính toán đưa vật liệu ống thép Inox 316L vào để vừa không bị nước biển ăn mòn, vừa hiệu quả làm lạnh nhanh nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh trưởng của tôm. Ngoài ra, để đánh giá hiệu quả chi phí của thiết bị, nhóm đã sử dụng các thông số để so sánh với việc sử dụng nước đá cây làm lạnh. Theo tính toán của nhóm, chi phí làm lạnh và duy trì cho 1m3 nước biển/ngày hơn 580 đồng (thiết bị làm lạnh), còn bằng đá hơn 2.500 đồng. Điều đó cho thấy, dùng thiết bị để điều hòa nhiệt độ nước biển cho bể nuôi tôm hùm thương phẩm trên cạn không những duy trì nhiệt độ nước biển trong bể ổn định, điều kiện vệ sinh tốt cho môi trường thích hợp để tôm sinh trưởng mà chi phí ít hơn gần 5 lần so với dùng nước đá cây. Ngoài Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung, hiện nay, thiết bị được Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc tại Phú Yên ứng dụng nuôi tôm hùm trên cạn, với kinh phí đầu tư hệ thống 450 triệu đồng. Sau gần 6 tháng lắp đặt, bước đầu thiết bị hoạt động ổn định, tôm sinh trưởng bình thường.
“Có thể nói, đây là một sản phẩm có tính ứng dụng thực tế cao, mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi tôm hùm trên cạn. Mục tiêu của nhóm sắp tới là tiếp tục nhân rộng sản phẩm; đồng thời nghiên cứu nâng cấp để thiết bị có tính tự động hóa cao hơn. Ngoài ra, nghiên cứu thêm một số chất liệu làm dàn lạnh khác, phù hợp hơn với môi trường nước biển mà giá thành rẻ hơn, nhằm giảm chi phí đầu tư cho người nuôi…”, Thạc sĩ Chính nói.
KHÁNH HÀ