10:12, 22/12/2019

Chủ động được con giống sá sùng

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài "Hoàn thiện quy trình kỹ thuật, nhân rộng mô hình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng Sipunculus nudus (Linnaeus, 1767) tại Khánh Hòa". Đề tài đã tạo thêm một đối tượng nuôi mới, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh vừa nghiệm thu đề tài “Hoàn thiện quy trình kỹ thuật, nhân rộng mô hình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng Sipunculus nudus (Linnaeus, 1767) tại Khánh Hòa”. Đề tài đã tạo thêm một đối tượng nuôi mới, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường.


Hiệu quả bước đầu


Theo ông Hoàng Tăng Pháp Dũng - trang trại sản xuất giống hải sản, thôn Lương Sơn, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang, một trong những hộ tham gia sản xuất thử nghiệm giống nhân tạo sá sùng, tháng 5-2018, cơ sở của ông tiếp nhận từ đề tài 5 triệu ấu trùng pelagosphera ngày thứ 6. Ông tiến hành ương trong 2 bể có diện tích 15m2/bể theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nghiên cứu đề tài. Sau 4 tháng ương nuôi, ông thu được 34.000 con giống sá sùng, kích cỡ 4 - 5cm/con, tỷ lệ sống đạt 13,32%.

 

Sá sùng được nuôi trong bể xi măng.

Sá sùng được nuôi trong bể xi măng.


Sau khi thử nghiệm thành công đợt 1, ông thực hiện đợt 2 với việc nhập 420 con sá sùng bố mẹ, kích cỡ trung bình 11,9g/con nuôi vỗ tích cực; tỷ lệ thành thục đạt 77,7%, kích thích cho sinh sản nhân tạo thu ương được 6 triệu ấu trùng. Sau 3 tháng tiến hành ương nuôi, trang trại của ông đã thu được 36.600 con giống sá sùng, kích cỡ 3 - 4cm/con, tỷ lệ sống đạt 16,54%. Ông Dũng cho biết: “Đây là một đối tượng nuôi đang được thị trường ưa chuộng do giá trị dinh dưỡng cao. Sau quá trình học tập và được cán bộ nghiên cứu đề tài cầm tay chỉ việc, tôi đã nắm vững quy trình sản xuất giống nhân tạo sá sùng. Tuy tỷ lệ sống của 2 đợt nuôi thử nghiệm đạt yêu cầu của đề tài nhưng vẫn chưa đạt cao như mong muốn. Vì vậy, từ kết quả đề tài, tôi tiếp tục nghiên cứu nâng cao tỷ lệ sống để sản xuất ổn định. Đồng thời, tôi đang tiến hành nghiên cứu thị trường đầu ra cho con giống sá sùng để có thể mở rộng sản xuất”.


Cùng với đó, đề tài đã tiến hành nuôi thương phẩm sá sùng và đạt tỷ lệ khá cao. Cụ thể, đề tài đã xây dựng 2 mô hình nuôi thương phẩm sá sùng trên ao lót lưới đáy và ao không lót lưới đáy tại xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh. Mỗi ao có quy mô 1.000m2. Từ con giống có kích cỡ trung bình 4g/con, sau 5 tháng thả nuôi, cả 2 mô hình đều sinh trưởng và phát triển tốt, mật độ nuôi 60 con/m2, tỷ lệ sống đạt từ 71,04 đến 74,42%; kích cỡ thu hoạch đạt 11,59g/con (mô hình lót lưới) và 12,15g/con (mô hình không lót), sản lượng thu hoạch lần lượt đạt 494,1kg và 517,6kg/mô hình. Theo tính toán của người nuôi, với giá bán khoảng 180.000 đồng/kg, diện tích ao nuôi 1.000m2, trừ chi phí lợi nhuận ước đạt từ 14 đến 22 triệu đồng/mô hình.


Phổ biến rộng rãi


Với việc xây dựng thành công quy trình sản xuất giống nhân tạo sá sùng, đề tài đã đào tạo và tập huấn nhân rộng mô hình cho 8 kỹ thuật viên tại các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh nắm được quy trình kỹ thuật và áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời, kết hợp với các đơn vị tổ chức 2 lớp tập huấn nhân rộng mô hình cho hơn 100 ngư dân, hộ dân tại xã Vĩnh Lương và xã Vạn Khánh.


Theo Thạc sĩ Nguyễn Khánh Nam - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN Khánh Hòa, chủ nhiệm đề tài, đây là đề tài không mới, trước đây cũng đã có một số nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo sá sùng và nuôi thương phẩm, nhưng các nghiên cứu trước đó quy mô còn nhỏ, tỷ lệ sống của ấu trùng tương đối thấp và không ổn định. Từ thực tế đó, trung tâm tiến hành thực hiện đề tài “Hoàn thiện quy trình kỹ thuật, nhân rộng mô hình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng Sipunculus nudus (Linnaeus, 1767) tại Khánh Hòa”. Sau 2 năm nghiên cứu, đề tài đã thu được 3.000 con sá sùng bố mẹ; hàng trăm ngàn con giống sá sùng, kích thước từ 1 đến 2cm, tỷ lệ sống đạt từ 13,3 đến 16,54%. Sau các đợt nghiên cứu hoàn thiện quy trình và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất tại các cơ sở cho thấy, quy trình sản xuất giống nhân tạo sá sùng đã đảm bảo tính ổn định, các chỉ tiêu đều tương đương hoặc vượt mục tiêu đề ra. Đối với nuôi thương phẩm, ngoài nuôi đơn, người dân có thể nuôi ghép sá sùng ở mật độ 20 con/m2 với tôm thẻ chân trắng nhằm tận dụng diện tích và hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi”.


Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN, Chủ tịch hội đồng đánh giá: “Lâu nay, người dân chủ yếu khai thác sá sùng ngoài tự nhiên, không chỉ sản lượng ít mà việc khai thác quá mức đã ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Kế thừa các đề tài trước, đề tài lần này đã hoàn thiện hơn quy trình sản xuất giống sá sùng. Các mô hình sản xuất thử nghiệm và nuôi thương phẩm đều cho kết quả cao hơn so với mục tiêu ban đầu của đề tài. Đề tài đã tạo thêm một đối tượng nuôi mới, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường”.


KHÁNH HÀ