10:10, 21/10/2019

Nuôi trồng thủy sản trên biển: Cần phát triển theo hướng công nghiệp

Khánh Hòa là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển. Thế nhưng, nghề nuôi biển truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự thay đổi. 

Khánh Hòa là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển. Thế nhưng, nghề nuôi biển truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự thay đổi. 


Cần thay đổi


Trong lần đến vịnh Vân Phong khảo sát tình hình nuôi biển, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: “Chúng ta có 3 vịnh biển Vân Phong, Cam Ranh và Nha Trang giàu tiềm năng để phát triển nuôi biển. Hiện nay, lĩnh vực nuôi biển của tỉnh tập trung vào các đối tượng chủ lực là tôm hùm, sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm; các loại cá bớp, chẽm, chim vây vàng, sản lượng khoảng 8.000 tấn/năm. Đầu ra được xác định phục vụ nhu cầu tại chỗ, khách du lịch và xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, ngư dân vẫn nuôi theo quy trình truyền thống, độ rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh rất lớn. Thực tế này đòi hỏi muốn phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững phải thay đổi, có chính sách khuyến khích người dân chuyển sang nuôi công nghiệp, hình thành các trang trại trên biển”.

 

Khu vực nuôi cá chim vây vàng thương phẩm của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I.

Khu vực nuôi cá chim vây vàng thương phẩm của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I.


Qua nhiều năm phát triển nuôi biển, đến nay, toàn tỉnh có 57.260 lồng nuôi tôm hùm, hơn 9.000 lồng nuôi cá biển và 20 đăng lồng nuôi ốc hương. Quy mô nuôi biển của tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu các tỉnh ven biển của cả nước. Thế nhưng, hầu hết trong số đó đang ứng dụng công nghệ nuôi cũ, manh mún, lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ truyền thống, sử dụng thức ăn tươi, vùng nuôi chen chúc, môi trường nuôi ô nhiễm nặng… Về phát triển nuôi biển công nghiệp, hiện nay, trên biển chỉ có một vài trang trại, như trang trại của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I hay trang trại của Công ty TNHH Thủy sản AUSTRALIS đang nuôi trên vịnh Vân Phong.


Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, Khánh Hòa có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi biển công nghiệp. Tuy nhiên, lâu nay, ngư dân trong tỉnh vẫn chủ yếu nuôi ven bờ, quy mô nhỏ, công nghệ lồng nuôi lạc hậu, không chịu được sóng gió lớn. Thực tế, cơn bão số 12 năm 2017 đã khiến cho lồng bè nuôi trong tỉnh tan tác, trong khi đó lồng nuôi HDPE theo công nghệ Na Uy vẫn tồn tại, không hư hại. Do đó, địa phương cần định hướng để phát triển nuôi biển công nghiệp, trước hết phải thay đổi công nghệ lồng nuôi kiểu gỗ truyền thống sang công nghệ lồng nuôi bằng vật liệu mới, bền vững, thách thức sóng gió để phát triển nuôi biển xa bờ quy mô công nghiệp.


Những kinh nghiệm thực tế


Tại hội thảo về nuôi biển được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Nha Trang mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Chủ trương phát triển ngành Thủy sản là chuyển từ nuôi trồng, khai thác theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Muốn vậy, cần xác định được các vấn đề cốt yếu liên quan đến định hướng đối tượng, công nghệ phù hợp với từng vùng nuôi; xác định giải pháp đầu tư, nguồn vốn, đối tượng chế biến, thị trường tiêu thụ; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với chiến lược phát triển nuôi biển tại Việt Nam…

 

Một góc trang trại nuôi biển của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I tại Vịnh Vân Phong.

Một góc trang trại nuôi biển của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I tại Vịnh Vân Phong.


Từ thành công trong phát triển ngành công nghiệp cá hồi tại Na Uy, ông Erik Hempel - Hiệp hội Khai thác Na Uy chia sẻ, để phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp bền vững cần xác định đối tượng nuôi. Ví dụ như Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng có cá chim vây vàng có thể xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường; hay tôm cũng là mặt hàng khá phổ biến, nhiều người nuôi. Một vấn đề quan trọng là phải xây dựng khung pháp lý để phát triển nuôi biển; phải có sự phối hợp, chia sẻ giữa các cơ quan chức năng với ngành công nghiệp nuôi biển. Ngoài ra, các yếu tố về công nghệ nuôi cũng rất quan trọng để phát triển nuôi biển bền vững.


Từ kinh nghiệm thực tế, lãnh đạo các đơn vị đang nuôi cá biển quy mô công nghiệp trên vịnh Vân Phong cho rằng, muốn phát triển nuôi biển bền vững, nhất thiết phải chuyển đổi dần từ công nghệ nuôi biển truyền thống sử dụng lồng gỗ sang công nghệ nuôi sử dụng lồng nhựa HDPE. Bên cạnh đó, tỉnh cần giải quyết vấn đề quá tải, ô nhiễm môi trường, muốn vậy phải tổ chức lại sản xuất trên biển, không để phát triển một cách tự phát.


Thực tế, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp. Trước mắt, tỉnh cần xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển nuôi biển tại địa phương một cách hiệu quả; đồng thời có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát triển nuôi tự phát, không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường…


HẢI LĂNG