Giữa tháng 9, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa xuất hiện những cơn mưa đầu mùa nhưng vẫn không thể cứu vãn được hàng nghìn héc-ta mía đã bị cháy ngọn, khô héo suốt mùa nắng hạn trước đó. Thêm một niên vụ mía thất bại đang hiển hiện trước mắt người nông dân.
Giữa tháng 9, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa xuất hiện những cơn mưa đầu mùa nhưng vẫn không thể cứu vãn được hàng nghìn héc-ta mía đã bị cháy ngọn, khô héo suốt mùa nắng hạn trước đó. Thêm một niên vụ mía thất bại đang hiển hiện trước mắt người nông dân.
Ông Trương Văn Viên - người trồng mía ở xã Ninh Tân cho biết: “Gia đình tôi có 3ha mía thì hơn 2ha đã bị chết khô do nắng hạn, mưa cũng không cứu được. Với tình trạng mía còi cọc như thế dù có đầu tư bón phân, chăm sóc cũng không hồi phục được, bởi năm 2014 cũng xảy ra nắng hạn tương tự, nhà nông trắng tay một lần rồi. Nếu để thì chắc chắn năng suất, chất lượng sẽ không đạt, do đó gia đình tôi đang tính sẽ cày bỏ để trồng đậu. Tính ra gia đình tôi mất trắng hơn 20 triệu đồng tiền đầu tư”.
Khó khăn chồng chất sau nhiều niên vụ mía thua lỗ, nhiều hộ đang nợ tiền đầu tư từ nhà máy hoặc vay mượn đành chấp nhận bán đất mía để trả nợ, giá cả thì tùy thuộc vào vị trí có gần nguồn nước hay không nhưng dao động khoảng vài trăm triệu đồng mỗi héc-ta. Trên những cánh đồng mía trước đây đã bắt đầu mọc lên các trang trại chăn nuôi. Những hộ nợ ít cũng từ bỏ mía để chuyển sang cây trồng khác.
Tại Ninh Sơn, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến cho nhiều hộ trồng mía rơi vào cảnh mất trắng. Ông Trần Xuân Hải - người trồng mía ở xã Ninh Sơn bần thần: “Chưa năm nào Ninh Sơn lại ít mưa như năm nay, nắng nóng kéo dài, không có nước tưới, hơn 2ha mía của gia đình tôi bị khô ngọn, héo úa đành phải cày bỏ để trồng bắp. Sau vụ bắp, tôi mới tính toán có đầu tư trồng mía tiếp hay chuyển hẳn sang trồng cây khác, bởi thực tế 4 - 5 năm nay, người trồng mía liên tục thua lỗ”.
Ninh Sơn là vùng bán sơn địa, cây mía là cây trồng chủ lực của địa phương mấy năm qua. Thế nhưng, hiện nay nông dân Ninh Sơn không còn mặn mà với cây mía; chỉ trong vòng 1 năm, 100ha mía tại đây đã được chuyển đổi sang các cây trồng khác như: keo, tỏi và một số loại cây ngắn ngày, hiện toàn xã chỉ còn 850ha. “Nắng hạn đã khiến 50ha mía trên địa bàn bị cháy và hơn 340ha bị thiệt hại nặng, nhiều diện tích trong số này đã được người dân cày bỏ để trồng cây ngắn ngày, một số tiếp tục chuyển đổi sang trồng cây khác”, ông Phạm Minh Long - Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cho biết.
Được biết, diện tích mía trên địa bàn thị xã Ninh Hòa liên tục giảm trong những năm gần đây, từ 12.400ha năm 2015 đến nay chỉ còn 10.200ha. Năm nay thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài, trong khi nhiều diện tích mía không có nước tưới nên bị khô, cháy ngọn, ước tính thiệt hại hơn 4.000ha, trong đó có 214ha bị cháy. Thiệt hại rõ ràng nhất là năng suất, chất lượng mía. Nếu như niên vụ mía 2018 - 2019, năng suất mía trên địa bàn đạt trung bình 50 tấn/ha thì niên vụ 2019 - 2020 dự kiến chỉ đạt khoảng 30 tấn/ha. Không chỉ vậy, mía nguyên liệu giảm năng suất, chất lượng, hoạt động của các nhà máy đường cũng bị ảnh hưởng lớn.
Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, thực tế, sau nhiều năm thua lỗ, nông dân trên địa bàn không còn mặn mà với cây mía. Địa phương cũng đang rà soát, định hình lại những khu vực thích hợp, nhất là chủ động được nguồn nước để phát triển cây mía. Định hướng của địa phương là đến năm 2020 chỉ duy trì khoảng 9.200ha mía. Khi nào năng suất mía lên hơn 70 tấn/ha thì nông dân mới có lãi.
HẢI LĂNG