Thời gian qua, nhiều hộ ở 2 thôn Tuần Lễ và Ninh Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh áp dụng mô hình kết hợp nuôi gà thả vườn dưới tán dừa rất hiệu quả. Mô hình này đã giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thời gian qua, nhiều hộ ở 2 thôn Tuần Lễ và Ninh Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) áp dụng mô hình kết hợp nuôi gà thả vườn dưới tán dừa rất hiệu quả. Mô hình này đã giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thoát nghèo nhờ nuôi gà
Trước đây, gia đình ông Huỳnh Tấn Toàn (thôn Ninh Mã) làm nghề nuôi tôm. Sau bao lần lao đao do tôm bị dịch bệnh và bị bão lụt tàn phá, ông đã bỏ nuôi tôm để chuyển sang nuôi gà thả vườn. Tận dụng vườn dừa trồng trên cát, năm 2012, ông đầu tư mua lưới B40 rào quây vài trăm mét vuông để nuôi gà thả dưới tán dừa. Thời gian đầu, mỗi lứa ông chỉ nuôi vài trăm con. Qua nhiều lứa nuôi, nhận thấy hiệu quả mang lại rất khả quan khi đàn gà phát triển thuận lợi, không bị dịch bệnh, chất lượng thịt ngon, được thị trường ưa chuộng; vườn dừa cũng xanh tốt và cho nhiều trái hơn nhờ được bổ sung lượng phân gà thường xuyên nên ông mở rộng quy mô. Đến nay, toàn bộ diện tích vườn dừa của gia đình ông đã trở thành trang trại gà thả vườn với số lượng 8.000 con và luôn duy trì sản lượng xuất bán trên dưới 2.000 con mỗi tháng. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 250 triệu đồng. Nhờ vậy, ông đã từng bước cải thiện được kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo từ năm 2017. Để tiết kiệm chi phí đầu vào, chủ động nguồn thức ăn cho gà, ông mua máy nghiền, máy ép về tự chế biến thức ăn cho đàn gà. “Không riêng gia đình tôi mà cả bố mẹ, gia đình em trai tôi bây giờ cũng đã có kinh tế khá nhờ mô hình nuôi gà thả vườn”, ông Toàn chia sẻ.
5 năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Đông Trang (thôn Tuần Lễ) cũng quyết định bỏ nghề nuôi tôm để chuyển sang nuôi gà thả vườn dưới tán dừa. Gia đình bà đã biến vườn dừa 1.000m2 thành trang trại nuôi gà, ban đầu chỉ mấy trăm con và hiện tại đã hơn 3.000 con. Nhờ tính hiệu quả của mô hình chăn nuôi này, thu nhập ngày một khá hơn, gia đình bà Trang đã có vốn đầu tư mua 1 máy cày và 4 máy gặt để kinh doanh dịch vụ nông nghiệp phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Cũng từ đây, gia đình bà đã nhanh chóng vươn lên khá, giàu và trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Từ khi Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn xã Vạn Thọ được thành lập vào năm 2018, bà Trang cũng được các thành viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng.
Nhiều triển vọng
Theo ông Trần Quang Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ, xuất phát từ tình hình thực tế trên địa bàn xã, nhất là ở thôn Tuần Lễ có nhiều hộ chăn nuôi gà thả vườn dưới tán dừa, Hội Nông dân xã đã vận động 9 hộ tiêu biểu để thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn xã Vạn Thọ. Từ khi thành lập tổ hợp tác, hoạt động chăn nuôi của các hộ thành viên đã có nhiều thuận lợi so với trước, như: Dễ tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, hoạt động có định hướng về sản lượng và đầu ra sản phẩm… nên hiệu quả càng tăng lên.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã cũng như các chủ trang trại, mô hình kết hợp nuôi gà thả vườn dưới tán dừa không chỉ mang lại hiệu quả khi tận dụng được không gian thoáng, rộng của khu vườn và bóng mát tán dừa giúp đàn gà có phạm vi hoạt động rộng, góp phần tăng chất lượng thịt, mà vườn dừa cũng được bổ sung lượng phân gà thường xuyên giúp cây phát triển tốt hơn, năng suất trái tăng từ 15 đến 20%. Điều đặc biệt là việc chăn nuôi gà ở vườn dừa với nền cát, vấn đề về môi trường do chất thải của gà được hạn chế tối đa do tính thẩm thấu rất tốt của cát. Cùng với lợi thế này, để hạn chế tối đa ảnh hưởng về môi trường, các thành viên tổ liên kết đều sử dụng đệm lót sinh học và xây dựng hầm biogas trong khu vực chuồng trú ngụ của đàn gà để xử lý chất thải.
Ông Trần Quang Khánh cho biết: “Mô hình chăn nuôi gà thả vườn dưới tán dừa của tổ liên kết thời gian qua cho thấy những hiệu quả rõ rệt. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động thêm các hộ chăn nuôi theo mô hình này vào tổ liên kết; đồng thời sẽ đồng hành sát sao với các hộ thành viên thông qua việc phối hợp với cơ quan chuyên môn và ngành chức năng hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn vốn để mở rộng sản xuất, cũng như các hoạt động hỗ trợ khác để hướng tới sớm đưa sản phẩm của tổ liên kết vào các siêu thị”.
THẾ ANH - THANH HẢI