Sau khi phát hồ sơ vào tháng 10, Bộ Giao thông vận tải sẽ sơ tuyển và đấu thầu chọn nhà đầu tư trong nước vào đầu năm 2020 với một số tiêu chí được hạ thấp.
Sau khi phát hồ sơ vào tháng 10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ sơ tuyển và đấu thầu chọn nhà đầu tư trong nước vào đầu năm 2020 với một số tiêu chí được hạ thấp.
Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Đối tác công tư, Bộ GTVT thông tin, sau khi hủy kết quả sơ tuyển đấu thầu quốc tế, dự kiến tháng 10 tới, Bộ GTVT sẽ phát hồ sơ mời thầu và sơ tuyển nhà đầu tư trong nước cho 8 dự án cao tốc Bắc - Nam, chấm sơ tuyển và tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào đầu năm 2020. Phần lớn tiêu chí đối với nhà đầu tư trong nước sẽ vẫn giữ nguyên như vốn chủ sở hữu chiếm 20% dự án, song một số tiêu chí khác về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đang được bộ lấy ý kiến theo hướng hạ thấp hơn so với nhà đầu tư nước ngoài.
Đánh giá sơ bộ về năng lực của nhà đầu tư trong nước, ông Huy cho biết, tại vòng sơ tuyển đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc - Nam đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện vào vòng đấu thầu. Tuy nhiên, hiện nay chưa khẳng định năng lực các nhà đầu tư tham gia như thế nào, các doanh nghiệp cần nộp hồ sơ sơ tuyển sau đó sẽ được chấm điểm năng lực.
Ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đây là tin vui đối với nhiều doanh nghiệp trong nước vì họ có nhiều cơ hội tham gia đầu tư cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp là các tiêu chí về vốn chủ sở hữu, kinh nghiệm, năng lực... được Bộ GTVT đưa ra như thế nào?. Nếu vốn chủ sở hữu được yêu cầu quá cao thì cũng không thể có nhiều nhà đầu tư tham gia. Đến nay, doanh nghiệp chưa biết “đề bài” mới của Bộ GTVT đưa ra có dễ hơn trước hay không.
Ngoài ra, vấn đề khó khăn là nguồn vốn tín dụng thiếu do nhiều ngân hàng coi dự án BOT là rủi ro. Các dự án như: Hữu Nghị - Chi Lăng, Trung Lương - Mỹ Thuận mặc dù là cấp thiết song ngân hàng vẫn siết chặt cho vay. Cùng với đó, rủi ro về vốn góp của Nhà nước thường qua nhiều thủ tục nên có thể chậm giải ngân, phía ngân hàng yêu cầu vốn nhà nước phải giải ngân thì họ mới giải ngân vốn tín dụng.
Ông Vũ Đức Nhận - Phó Tổng Giám đốc Công ty Phương Thành (đơn vị quản lý cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), cũng cho rằng, doanh nghiệp mong muốn các tiêu chí xét thầu được hạ thấp hơn như vốn chủ sở hữu, năng lực để nhà đầu tư trong nước có thể tham gia. Theo ông, thời gian qua, nhiều dự án BOT gặp thua lỗ, vỡ phương án tài chính khiến nhiều nhà đầu tư nao núng cũng như các ngân hàng khó khăn và không muốn tiếp tục cho vay. Nhiều ngân hàng sẽ yêu cầu doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn và phải thế chấp đến 50 - 60% tổng vốn đầu tư.
Ngoài ra, ông Nhận đánh giá, cao tốc Bắc - Nam không thực sự hấp dẫn đầu tư khi sắp tới sẽ có 3 tuyến đường Bắc - Nam là Quốc lộ 1, đường ven biển và đường Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều tuyến miễn phí nên cao tốc Bắc - Nam có thể bị vắng xe sau khi đầu tư. Trong khi đó, Bộ GTVT tính toán lưu lượng xe ở mức cao.
GS-TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cũng nhận định, Nhà nước nên xem xét thay đổi lại các tiêu chí đánh giá nhà đầu tư như chấm điểm 60% về vốn, 30% về kinh nghiệm, 10% về tổ chức thi công để thu hút các doanh nghiệp trong nước tham gia. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp muốn đấu thầu đầu tư song không đạt về vốn, kinh nghiệm...
T.K