11:09, 25/09/2019

Chuyển đổi cây trồng trên đất mía

Sau những năm đầu có phần dè dặt, hiện nay, hoạt động chuyển đổi từ cây mía đường sang cây trồng khác đang được nông dân trong tỉnh đẩy mạnh. Bước đầu cho thấy, cây trồng mới trên đất mía đang phát huy hiệu quả.

Sau những năm đầu có phần dè dặt, hiện nay, hoạt động chuyển đổi từ cây mía đường sang cây trồng khác đang được nông dân trong tỉnh đẩy mạnh. Bước đầu cho thấy, cây trồng mới trên đất mía đang phát huy hiệu quả.


Tín hiệu lạc quan


Những năm qua, vợ chồng ông Lê Văn Tình (xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) liên tục chịu cảnh thua lỗ khi trồng mía. Tuy nhiên, với sự nhanh nhạy, cách đây hơn 4 năm, ông Tình đã trồng 250 gốc dừa xiêm vào rẫy mía. Hiện nay, mỗi tháng, 1 gốc dừa cho ông thu hoạch khoảng 10 quả. Với giá bán tại vườn 10.000 đồng/quả, mỗi tháng ông thu nhập hơn 20 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trồng thêm mít, chuối, hồng xiêm... và hàng trăm cây huỳnh đàn; xây chuồng nuôi 6 con bò vỗ béo xuất bán theo dạng gối đầu quanh năm. Ông Tình chia sẻ, thu nhập từ dừa phù hợp với đa số nông dân vì ổn định và liên tục. Phần lớn số tiền thu được, ông tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả.

 

Vườn dừa, bưởi, mít xanh tốt tại Diên Đồng.

Vườn dừa, bưởi, mít xanh tốt tại Diên Đồng.


Ông Đỗ Đức Dương ở thôn Xuân Trang (xã Xuân Sơn) cũng có thâm niên hàng chục năm gắn bó với cây mía đường. Hiện nay, cây mía không hiệu quả, vợ chồng ông chuyển 2ha mía sang trồng 120 cây mít Thái, mít nghệ, gần 300 cây dừa xiêm và 300 cây bưởi da xanh. “Giai đoạn chuyển đổi cây trồng sẽ không tránh khỏi khó khăn về kinh tế, thu nhập chưa có, nhưng còn hơn trồng mía phải bù lỗ hàng năm. Hy vọng 1 đến 2 năm tới, khi cây ăn quả cho thu hoạch sẽ giải quyết được những khó khăn này”, ông Dương nói.


Ở vùng mía thị xã Ninh Hòa, một số xã chuyên canh cây mía như: Ninh Tây, Ninh Xuân, Ninh Tân…, nông dân cũng đang chuyển dần cây mía đường sang trồng cây ăn quả, nhất là ở những nơi có thể khoan giếng, cạnh bờ sông, suối… Theo lãnh đạo xã Ninh Tây, chỉ trong năm 2019, ước diện tích mía giảm hàng trăm héc-ta. Người dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng bưởi da xanh, mít, dừa, bơ, hồng xiêm… ở những diện tích chủ động về nước tưới. Ở những khu vực hoàn toàn dựa vào nước trời, nhiều hộ đã chuyển sang trồng keo, bạch đàn.


Hoạt động chuyển đổi từ cây mía sang cây trồng khác cũng diễn ra sôi động ở vùng mía ở 2 huyện Diên Khánh và Cam Lâm. Cách đây 3 năm, tại xã Diên Đồng (Diên Khánh) có 960ha mía, hiện nay chỉ còn khoảng 400ha. Thay vào đó là bưởi, mít, xoài từ 1 đến 3 năm tuổi đang phát triển tốt. Tương tự, lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm cho biết, năm 2019, diện tích mía chuyển đổi trên địa bàn huyện là 65ha.


Tiếp tục chuyển đổi


Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nếu như năm 2016, toàn tỉnh có gần 19.000ha mía đường thì đến năm 2019 chỉ còn khoảng 16.500ha.

 

Ông Dương chăm sóc cây mít hơn 1 năm tuổi.

Ông Dương chăm sóc cây mít hơn 1 năm tuổi.


Riêng trong năm 2019, hoạt động chuyển đổi đất mía sang cây trồng khác đang diễn ra rất nhanh. Tại Ninh Hòa, thủ phủ của cây mía đường, niên vụ mía 2018 - 2019 đã giảm gần 1.500ha, hiện chỉ còn khoảng 11.000ha, so với lúc cao điểm cách đây khoảng 5 năm là hơn 14.000ha. Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, tại Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2016 - 2020, Ninh Hòa xác định giảm diện tích trồng mía xuống còn 9.200ha vào năm 2020. Tại huyện Diên Khánh, hoạt động chuyển đổi diễn ra mạnh nhất ở xã Diên Đồng. Năm 2019, người dân đăng ký chuyển từ cây mía sang cây ăn quả và dâu tằm vượt kế hoạch hơn 52ha, huyện đã trình UBND tỉnh xin bổ sung diện tích chuyển đổi này.


Điều đáng mừng, khi chuyển đổi cây trồng, nông dân được tỉnh hỗ trợ giống, tưới tiêu, máy móc, tập huấn kỹ thuật… Mức hỗ trợ chi phí mua giống cây trồng 50%; hỗ trợ vật tư xây dựng mới hệ thống tưới nước tiết kiệm 30% (không quá 10 triệu đồng/ha đối với cây lâu năm và không quá 20 triệu đồng/ha đối với cây hàng năm). Với các mô hình công nghệ cao, VietGAP trở lên, Nhà nước hỗ trợ khoảng 50% chi phí đầu tư xây dựng nhà sơ chế đóng gói, nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiết kiệm (tối đa 150 triệu đồng/cơ sở)…


Qua ghi nhận về những khó khăn của nông dân trong quá trình chuyển đổi cây trồng, có 2 vấn đề được nhiều địa phương nhắc đến, đó là đầu ra cho các loại nông sản sau chuyển đổi và hệ thống thủy lợi hiện nay chưa thể vươn tới nhiều nơi. Đơn cử như tại Ninh Hòa, hơn 70% diện tích đất mía chưa chủ động được nước tưới; một số cánh đồng khác dù đã có kênh dẫn nước nhưng chỉ để phục vụ cho mục đích sản xuất lúa. Không chỉ vậy, việc xuất hiện thêm hàng nghìn héc-ta dừa, bưởi, mít… trong khi hệ thống phân phối ra thị trường chưa đáp ứng được sẽ dẫn tới nguy cơ “được mùa rớt giá”.


Để tháo gỡ những khó khăn này, theo lãnh đạo  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, song song với quá trình chuyển đổi của người dân, các sở, ngành, địa phương đã tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ để phù hợp với thực tế. Cùng với việc tập trung xây dựng thương hiệu, nhận diện sản phẩm, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường…, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cung cấp nước tưới cho vùng trồng cây ăn quả đã và đang được tỉnh quan tâm thực hiện. Chẳng hạn như hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cho vùng xoài Cam Lâm đang được tính toán; hoặc hệ thống kênh tưới sau công trình hồ chứa nước sông Chò 1 để cung cấp nước tưới cho khoảng 5.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là cây ăn quả ở các xã: Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh) và Ninh Sim, Ninh Xuân, Ninh Tân, Ninh Hưng (Ninh Hòa). Đây sẽ là những giải pháp để đánh thức nhiều hơn nữa những vùng đất có giá trị kinh tế cao, mà ở đó, việc thay thế cây mía đường ở những diện tích kém hiệu quả đang được quan tâm nhiều nhất.


Hồng Đăng