10:07, 29/07/2019

Xã Diên Thọ: Đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Xã Diên Thọ vừa thu hồi hơn 18,8ha đất công cho người dân thuê nhưng sản xuất kém hiệu, quả giao cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đây được xem là hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của xã nói riêng và huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) nói chung.

 

Xã Diên Thọ vừa thu hồi hơn 18,8ha đất công cho người dân thuê nhưng sản xuất kém hiệu, quả giao cho doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đây được xem là hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của xã nói riêng và huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) nói chung.


Theo ông Lại Văn Tài - Chủ tịch UBND xã Diên Thọ, xã vừa thu hồi 18,82ha đất công (đất 5%) mà xã đã cho 12 hộ thuê thời hạn 5 năm (giai đoạn 2015 - 2020) để trồng mía, chuối và rau màu. Lý do thu hồi là vài năm gần đây, việc trồng mía không đem lại hiệu quả kinh tế như trước; thu nhập từ trồng rau màu, chuối cũng không cao do các hộ canh tác manh mún. Trong khi đó, DN lại có nhu cầu đầu tư để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, rất phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương. Bên cạnh đó, dự án triển khai sẽ góp phần tạo công việc cho lao động địa phương nên rất được khuyến khích. “Trước khi thu hồi đất, xã đã họp với các hộ, thông báo chủ trương thu hồi đất để giao cho DN thực hiện dự án và được các hộ đồng thuận. Đến nay, các hộ đã nhận tiền đền bù cây trồng, hoa màu”, ông Tài cho biết.

 

Khu vực đất công của xã Diên Thọ được giao cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Khu vực đất công của xã Diên Thọ được giao cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.


Được biết, Công ty TNHH Nông nghiệp Việt Thắng (TP. Nha Trang) là DN được tỉnh và huyện Diên Khánh cho phép đầu tư thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Diên Thọ. Theo ông Trần Anh Vũ - Phó Giám đốc công ty, nhận thấy diện tích đất tại xã Diên Thọ rất phù hợp với việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ như: đất phù sa pha cát, cạnh nguồn nước sông Cái dồi dào, giao thông thuận lợi… nên công ty đã xin chủ trương được đầu tư sản xuất. Tổng mức đầu tư của dự án “Trang trại xanh” khoảng 40 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đã hoàn thành phần bồi thường hoa màu cho người dân với số tiền hơn 5,4 tỷ đồng. Trong thời gian tới, khi hoàn tất các thủ tục đầu tư, công ty sẽ thực hiện giai đoạn xây dựng nhà xưởng sơ chế, nhà lưới… Trước khi sản xuất chính thức, công ty sẽ cho trồng một vụ mùa phụ để giải phóng tồn dư phân bón, thuốc trừ sâu hóa học trong đất từ các vụ mùa do người dân sản xuất trước đó.  

    
Dự án tập trung sản xuất rau an toàn để cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng. Với mục tiêu sản xuất nông nghiệp sạch, không sử dụng phân, thuốc hóa học nên những loại rau ngọt, dễ bị tác hại của sâu bệnh như: mồng tơi, cải… sẽ được trồng trong nhà lưới để hạn chế sự ảnh hưởng; còn các loại rau ít bị sâu bệnh như: rau lang, măng tây... được trồng bên ngoài, không cần nhà lưới. Ông Vũ cho biết, thời gian qua, công ty đã đến các tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai… để tham quan, học tập mô hình sản xuất rau hữu cơ, đặc biệt là hợp tác với đội ngũ kỹ thuật để có mô hình phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.


Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chủ trương của tỉnh rất khuyến khích các DN tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây là lĩnh vực cần nguồn vốn lớn nhưng khả năng rủi ro cao. Trong khi đó, theo khảo sát về nhu cầu sử dụng nông sản địa phương do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và Sở Công Thương thực hiện cho thấy, nông sản Khánh Hòa vào siêu thị và nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP. Nha Trang chỉ mới đạt 30%. Do đó, thị trường của nông sản công nghệ cao rất rộng mở. Khi dự án của Công ty TNHH Nông nghiệp Việt Thắng được triển khai sẽ là mô hình mẫu của tỉnh. Sở sẽ áp dụng Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để hỗ trợ công ty trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.


MAI HOÀNG