12:06, 21/06/2019

Buôn bán ế ẩm, tiểu thương bỏ chợ

Theo ban quản lý một số chợ trên địa bàn TP. Nha Trang, từ đầu năm đến nay, có nhiều tiểu thương nghỉ kinh doanh hoặc chuyển nhượng, sang lô sạp cho người khác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu do buôn bán ế ẩm, tiểu thương bỏ chợ ra bán ngoài vỉa hè, lòng đường.

Theo ban quản lý (BQL) một số chợ trên địa bàn TP. Nha Trang, từ đầu năm đến nay, có nhiều tiểu thương nghỉ kinh doanh hoặc chuyển nhượng, sang lô sạp cho người khác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu do buôn bán ế ẩm, tiểu thương bỏ chợ ra bán ngoài vỉa hè, lòng đường.


Bỏ chợ ra bán vỉa hè


Thời gian gần đây, chợ Vĩnh Hải xảy ra tình trạng nhiều tiểu thương nghỉ buôn bán, sang sạp. Tại khu vực ngành hàng đồ gia dụng, hơn 10 lô sạp đóng cửa im ỉm từ 4 - 5 tháng nay; cách đó không xa, 3 lô kinh doanh quần áo cũng để bảng sang sạp. Một tiểu thương ngành hàng gia dụng cho biết, từ sau Tết đến nay, chợ ế ẩm nên chủ các lô sạp chán nản, đóng cửa hàng. Người thì 1 tháng mới ra mở cửa bán được vài buổi, thấy ế quá lại nghỉ; người thì dùng các lô sạp làm nơi chứa hàng để kinh doanh tại nhà hoặc thuê nơi khác thuận tiện hơn để buôn bán.

 

Nhiều hộ dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường Võ Thị Sáu để buôn bán, họp chợ trái phép.

Nhiều hộ dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường Võ Thị Sáu để buôn bán, họp chợ trái phép.


Bà Phạm Thị Tuyết Nhung - Quyền Trưởng BQL chợ Vĩnh Hải cho biết, những năm trước, tình trạng tiểu thương nghỉ buôn bán cũng xảy ra nhưng rất ít, rải rác. Tuy nhiên, năm nay, tình trạng này diễn ra nhiều với số lượng lô sạp ngừng kinh doanh lớn. Từ đầu năm đến nay, đã có 50 lô sạp nghỉ buôn bán, một số lô sang nhượng. Nguyên nhân chính là do chợ ế ẩm (sức mua giảm hơn 30% so với trước) nên nhiều tiểu thương ra bên ngoài buôn bán (buôn bán vỉa hè, thuê nhà dân xung quanh chợ).


Tình trạng tiểu thương hàng cá ở chợ Phước Thái bỏ chợ ra thuê vỉa hè, lòng đường buôn bán đã xảy ra từ năm 2018. Tuy BQL chợ đã kiến nghị các cơ quan chức năng, thành phố có biện pháp giải quyết nhưng hiện nay, tình trạng này diễn ra nặng nề hơn. Ông Lê Văn Ân - Phó Trưởng BQL phụ trách chợ Phước Thái cho biết, ngoài 17 lô hàng cá bỏ chợ từ năm ngoái, hiện nay còn có 12 lô hàng rau cũng bỏ ra ngoài thuê vỉa hè, lòng đường để buôn bán. Các tiểu thương trong chợ buôn bán ngày càng ế ẩm nên tâm lý cũng bị ảnh hưởng. Vào buổi sáng và buổi chiều, các đường xung quanh chợ như: Võ Thị Sáu, Trường Sa luôn bị các hộ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán. Có người chấp nhận thuê vỉa hè với giá từ 50.000 đến 70.000 đồng/buổi để bán, trong khi đó, giá thuê lô sạp trong chợ chỉ gần 20.000 đồng.


Theo BQL chợ Xóm Mới, tình trạng tiểu thương bỏ chợ tuy không nhiều (từ đầu năm đến nay chỉ có 5 tiểu thương nghỉ bán), nhưng sức mua bán tại chợ cũng giảm đáng kể do gặp phải sự cạnh tranh của các hình thức khác như: buôn bán online, các siêu thị…


Kiên quyết xử lý buôn bán lấn chiếm vỉa hè


Tình trạng tiểu thương nghỉ buôn bán và chợ ế ẩm gây khó khăn cho các chợ, đặc biệt là công tác thu ngân sách, đảm bảo hoạt động chợ. Theo BQL chợ Vĩnh Hải, vào ngày 20 hàng tháng, nhân viên BQL chợ sẽ đi thu lệ phí chợ. Trước đây, các tiểu thương thường đóng một lần và đúng hẹn nhưng gần đây, nhiều tiểu thương đóng chậm hoặc đóng theo hình thức góp từng ngày, có tiểu thương nợ 3 - 4 tháng chưa đóng. Nhân viên BQL chợ phải đi thu nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách của chợ. Được biết, từ trước đến nay, chợ Vĩnh Hải luôn là đơn vị thu ngân sách vượt kế hoạch hàng quý, hàng năm. Tuy nhiên, thu ngân sách quý I vừa qua của chợ không đạt kế hoạch do tình hình buôn bán của tiểu thương gặp nhiều khó khăn.


BQL chợ Phước Thái cũng vừa có công văn gửi UBND thành phố về việc xin điều chỉnh chỉ tiêu thu ngân sách năm 2019. Theo đó, năm nay, chợ được giao chỉ tiêu thu 2,36 tỷ đồng. Đến hết quý I, chợ mới thu được hơn 540 triệu đồng, đạt 22,8% kế hoạch, không đạt chỉ tiêu đề ra. BQL chợ xác định từ nay đến cuối năm không thể hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của thành phố giao. Ngoài nguyên nhân tiền điện, tiền rác tăng, BQL chợ cho biết nguyên nhân lớn nhất là sụt giảm nguồn thu do tiểu thương bỏ chợ. Trung bình mỗi tháng, nguồn thu bị sụt giảm gần 6 triệu đồng của 12 lô hàng rau và hơn 21,3 triệu đồng của 17 lô hàng cá. BQL chợ cũng kiến nghị thành phố, UBND các phường: Phước Long, Vĩnh Nguyên xử lý triệt để tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trong thời gian qua.


Ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khu vực xung quanh các chợ: Vĩnh Hải, Phước Thái, Xóm Mới… để buôn bán, họp chợ trái phép có xu hướng gia tăng. Đối với các tuyến đường xung quanh chợ, thành phố chủ trương không cấp phép buôn bán, họp chợ trên vỉa hè, lòng đường. Thành phố đã giao trách nhiệm cho UBND xã, phường, trực tiếp là chủ tịch các địa phương phải chủ trì, kiểm tra xử lý tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, do tình hình lấn chiếm buôn bán phức tạp, lực lượng các địa phương mỏng nên chưa xử lý triệt để.


Phòng đã lập kế hoạch phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, họp chợ trái phép trong thời gian tới. Tại mỗi khu vực chợ, lực lượng thành phố sẽ phối hợp với địa phương ra quân chốt chặn, xử lý trong một tháng. Cụ thể, cuối tháng 6, lực lượng thành phố sẽ thực hiện ở chợ Vĩnh Hải, sau đó sẽ làm tiếp ở chợ Phước Thái, chợ Xóm Mới… Trước khi thành phố ra quân xử lý, địa phương phải tuyên truyền và yêu cầu người dân thực hiện đúng quy định đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Sau khi lực lượng thành phố xử lý sẽ bàn giao cho địa phương quản lý, nếu để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm; đồng thời BQL các chợ phải có trách nhiệm bố trí lô sạp cho người dân quay lại chợ buôn bán.


MAI HOÀNG