11:11, 05/11/2018

Xã Vạn Long: Đất sản xuất bị bỏ hoang

Gia đình ông Võ Văn Hoàng thuê khoảng 5.000m2 đất tại khu vực thôn Hải Triều (xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) từ năm 2000 để cải tạo làm đìa nuôi tôm. Khoảng 6 năm đầu, gia đình ông nuôi tôm thẻ rất hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao.

 Hơn chục héc-ta đất bỏ hoang 


Gia đình ông Võ Văn Hoàng thuê khoảng 5.000m2 đất tại khu vực thôn Hải Triều (xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) từ năm 2000 để cải tạo làm đìa nuôi tôm. Khoảng 6 năm đầu, gia đình ông nuôi tôm thẻ rất hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao. Nhưng từ năm 2006 đến nay, cứ vào đợt triều cường lên, bờ bao giáp biển liên tục bị bể, nước mặn xâm nhập khiến cho việc sản xuất gặp khó khăn. Gia đình ông cũng cố gắng cải tạo nhưng chỉ được vài năm đầu, đến nay đã bỏ hoang gần chục năm. “Nhìn diện tích đất đìa rộng bao la bị bỏ hoang chúng tôi thấy rất phí, nhưng cố làm cũng lỗ vốn nên không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác cũng đành bỏ”, ông Hoàng nói.

 

Một đoạn kè sông Tô Giang đã được đầu tư.

Một đoạn kè sông Tô Giang đã được đầu tư.


Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Chủ tịch UBND xã Vạn Long cho biết, hiện nay, trên địa bàn có hơn 10ha đất lúa, đất đìa bị bỏ hoang tại thôn Hải Triều. Đây là diện tích đất 5% của xã cho người dân thuê để sản xuất. Thời gian đầu, người dân trồng lúa nhưng thấy không hiệu quả nên cải tạo chuyển sang làm đìa nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa gió liên tục khiến bờ bao toàn bộ vùng đất này bị vỡ, sạt lở dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn. Toàn bộ diện tích đất lúa xen kẽ đất đìa phải bỏ hoang, không thể sản xuất được. Xã đã tạo điều kiện cho người dân thuê đất với giá rẻ để sản xuất, phát triển kinh tế, người dân cũng rất nỗ lực cải tạo, nhưng do làm ăn thua lỗ nên phải để hoang hóa, trong khi diện tích đất sản xuất của xã không nhiều. Địa phương cũng nhiều lần bỏ kinh phí khắc phục, làm cống ngăn mặn nhưng chỉ được một thời gian, mưa bão tràn về là hư hỏng. Địa phương đã kiến nghị huyện có hướng đầu tư cải tạo để phục hồi sản xuất. Được biết, trong thời gian tới, huyện sẽ đầu tư kinh phí để cải tạo bờ bao, làm cống ngăn mặn khu vực này.


Sớm hoàn chỉnh kè sông Tô Giang


Lãnh đạo xã Vạn Long cho biết, cứ vào mùa mưa bão, nước từ thượng nguồn đổ về, cùng với việc hồ Hoa Sơn xả lũ làm cho toàn bộ cánh đồng lúa dọc hai bờ sông Tô Giang rộng hơn 30ha của 300 hộ bị chìm sâu trong nước.Trung bình mỗi năm, tuyến bờ sông này bị sạt lở 2, 3 lần. Không những vậy, khi thủy triều lên, toàn bộ cánh đồng này bị xâm nhập mặn làm cho lúa và hoa màu của người dân bị chết.


Được biết, chiều dài hai bờ sông Tô Giang hơn 2.300m. Sau nhiều năm kiến nghị, từ nguồn ngân sách tỉnh, đầu năm nay huyện Vạn Ninh đã triển khai làm kè được khoảng 390m bên phía bắc sông. Đây là khu vực bị xói lở nặng nhất, xâm nhập mặn. Việc đầu tư xây kè ở khu vực này khiến người dân rất phấn khởi, vơi đi nỗi lo mỗi mùa mưa bão về. Cùng với đó, đập Hải Triều mới đây cũng đã được xây dựng mới và đưa vào sử dụng.


Tuy nhiên theo người dân, kè được làm ngay khúc giữa còn phía đầu sông (khu vực đập Hải Triều) và đoạn cuối nối ra cửa biển chưa được làm, về lâu dài khi nước lũ tràn về sẽ gây xói lở và ăn sâu vào kè làm hư hỏng cả đoạn mới xây dựng. Ông Nguyễn Văn Hải - người dân thôn Hải Triều đề xuất: “Địa phương nên đầu tư hoàn chỉnh tuyến kè nhằm bảo đảm cho đoạn đã làm, đồng thời giúp đảm bảo diện tích lúa khi lũ về”.


Theo bà Hiền, hàng năm địa phương đều trích khoảng 100 triệu đồng để gia cố hai bên bờ sông, đồng thời huy động người dân chung sức đắp bờ. Địa phương rất mong các cấp, ngành quan tâm làm hoàn chỉnh kè sông Tô Giang để đảm bảo cuộc sống cũng như sản xuất của người dân.


THÀNH NAM