Nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, người nuôi cần tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) trong mùa mưa bão sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, người nuôi cần tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Mới đây, khi đến vùng đìa xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm) và Cam Lợi (TP. Cam Ranh), chúng tôi bắt gặp các hộ NTTS ở các địa phương này tất bật thu hoạch cá, ốc, tôm. Ông Nguyễn Văn Minh - người nuôi cá chẽm tại xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm) chia sẻ: “Năm nay, thời tiết thất thường, nắng nóng kéo dài liên tục, gần đây mưa lớn nên nông dân lo lắng cho thủy sản nuôi trong đìa của mình. Như gia đình tôi nuôi cá, tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi lên đến hơn 50%. Mới đây, tôi đã xuất bán hết 1 ao nuôi, hiện nay còn 2 ao, tuy cá chưa đạt đến kích cỡ thương phẩm nhưng tôi cũng đang tìm người mua vì lo ngại thời tiết bất ổn”.
Người nuôi ốc hương, tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện Vạn Ninh cũng đứng ngồi không yên khi mưa lớn những ngày gần đây. “Gia đình tôi nuôi 2 ao ốc hương, 3 ao tôm thẻ chân trắng đều xảy ra tình trạng tôm, ốc chết. Những ngày mưa lớn, tôi và mấy nhân công liên tục bổ sung khoáng chất, quạt nước, theo dõi các chỉ số môi trường ao nuôi để điều chỉnh cho kịp thời, nếu không tôm, ốc rất dễ bị chết hàng loạt”, ông Nguyễn Văn Tình - người nuôi thủy sản tại Vạn Thọ cho hay.
Ông Đặng Tri Thông - chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 800ha ao đìa NTTS, trong đó có 250ha nuôi tôm nước lợ, 369ha nuôi ốc hương, còn lại là một số đối tượng nuôi khác. Đến thời điểm này, hàng trăm héc-ta ao đìa vẫn đang được nông dân thả nuôi, riêng tôm nước lợ còn khoảng 70ha chưa thu hoạch. Điều chúng tôi lo lắng là mùa mưa bão đã đến, nguy cơ thiệt hại về NTTS trong thời điểm này rất cao. Chính quyền các xã đang tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người nuôi các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại trong mùa mưa bão”.
Tại thị xã Ninh Hòa, hiện nay, vẫn còn hàng trăm héc-ta đang được nông dân tiếp tục nuôi, trong đó nhiều nhất là tôm và ốc hương. Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Toàn thị xã có hơn 2.300ha ao đìa NTTS, với các đối tượng nuôi chủ lực gồm: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ốc hương, cá, cua… Hiện có khoảng 20% diện tích ít ao đìa tập trung chủ yếu ở Ninh Thọ, Ninh Hải, Ninh Hà, Ninh Phú…, những nơi ít bị ảnh hưởng của mưa lũ được nông dân thả nuôi quanh năm. Để tránh thiệt hại cho người NTTS trong mùa mưa bão, địa phương đã khuyến cáo, tuyên truyền người dân phải tuyệt đối tuân thủ lịch thời vụ đã được ngành Thủy sản khuyến cáo, không thả nuôi trong 3 tháng cuối năm. Đối với những diện tích chưa thu hoạch xong cần khẩn trương thu hoạch; trong quá trình đó thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, nhất là mật độ nuôi, quản lý chặt các yếu tố môi trường trong ao nuôi…”.
Tính đến hết tháng 10, tổng diện tích NTTS ao đìa nước mặn, lợ toàn tỉnh hơn 3.506ha. Nhìn chung, thủy sản nuôi trồng phát triển tương đối ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Tuy nhiên, vẫn có hơn 258ha nuôi các loại thủy sản bị mất trắng do các các loại bệnh thường gặp, tác động của thời tiết, môi trường… Theo nhận định của ngành Thủy sản tỉnh, hiện nay, thời tiết đã bước vào mùa mưa bão, người NTTS cần chủ động bảo vệ diện tích nuôi để hạn chế thiệt hại; chủ động phòng tránh và xử lý hiệu quả một số tác nhân gây biến động môi trường làm ảnh hưởng đến thủy sản nuôi.
BÍCH LA
Ngành Thủy sản khuyến cáo: Đối với thủy sản đã đạt kích cỡ thương phẩm nên khẩn trương thu hoạch sớm; các ao chưa thu hoạch cần gia cố bờ bao, cống lấy nước nhằm hạn chế hư hỏng, sạt lở gây thất thoát. Trong quá trình nuôi cần lấy nước vào ao lắng để xử lý ô nhiễm và loại bỏ các chủng vi khuẩn có khả năng gây bệnh cho thủy sản trước khi cấp vào ao nuôi; thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi trước và sau khi mưa để điều chỉnh kịp thời các thông số môi trường phù hợp; sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, định kỳ bổ sung vitamin, khoáng chất, men vi sinh cho động vật nuôi. Những ngày mưa bão, cần thường xuyên theo dõi ao nuôi, nếu lượng nước trong ao lớn cần tháo bớt nước ra ngoài và cấp nước từ ao lắng vào đều để điều hòa độ mặn trong ao nuôi cho phù hợp, tăng cường quạt nước trong ao, kết hợp rải vôi xung quanh bờ ao. Riêng đối với nuôi tôm nước lợ, cần tuân thủ lịch thời vụ, không nên thả giống từ tháng 10 đến tháng 12.