10:11, 18/11/2018

Quản lý thương mại điện tử: Còn nhiều khó khăn

Từ đầu tháng 11 đến nay, Cục Quản lý thị trường Khánh Hòa thực hiện đợt kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn nhiều khó khăn.

Từ đầu tháng 11 đến nay, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Khánh Hòa thực hiện đợt kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn nhiều khó khăn.


Khó cho doanh nghiệp


Theo kế hoạch, đợt này Cục QLTT sẽ kiểm tra 11 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử. Đến nay, cục đã kiểm tra được 5 đơn vị. Lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh; thông báo thiết lập website thương mại điện tử với Bộ Công Thương; cung cấp thông tin trên website thương mại điện tử; hóa đơn, chứng từ trong mua bán hàng hóa; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa… của các đơn vị. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, có 3/5 đơn vị vi phạm quy định do không thông báo thiết lập website thương mại điện tử với Bộ Công Thương. Cục đã xử phạt tổng số tiền 60 triệu đồng.

 

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa của một doanh nghiệp  tham gia hoạt động thương mại điện tử.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa của một doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử.


Một số doanh nghiệp (DN) cho biết, hiện nay, DN gặp không ít khó khăn trong hoạt động thương mại điện tử. Đại diện Công ty TNHH Tin học TH Nha Trang chia sẻ, công ty có website thương mại điện tử và một gian hàng trên Lazada. Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử của công ty chủ yếu là báo giá, giới thiệu để khách hàng tìm hiểu sản phẩm và so sánh giá cả. Phần lớn khách hàng vẫn đến tận nơi để mua sản phẩm do chưa thật sự tin tưởng vào website bán hàng của DN. “Ngoài phần giới thiệu sản phẩm, một số website bán hàng của nước ngoài thường có 2 nội dung, gồm: chứng nhận của cơ quan quản lý đối với DN đó và đánh giá của khách hàng khi đã sử dụng sản phẩm. Nhờ vậy, khách hàng có thêm thông tin tin cậy khi muốn mua hàng trên website. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay chưa thực hiện được điều này. Ngoài ra, khi xảy ra tranh chấp về hàng hóa mua qua website cũng cần có một tổ chức, cơ quan chức năng mang tính chất là trọng tài phân xử để bảo vệ quyền lợi cho cả người bán lẫn người mua”, ông Nguyễn Đức Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Tin học TH Nha Trang nói.


Một số DN khác cũng cho hay, do không tin tưởng DN bán hàng trên website nên người tiêu dùng thường chọn mua hàng trên mạng nhưng thanh toán tại nhà qua một khâu trung gian vận chuyển hàng. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro như: nếu hàng hóa gặp vấn đề về chất lượng, người mua khó đổi trả; DN bán hàng dễ bị thất thoát tiền hàng; cơ quan thuế khó quản lý nguồn thu… Hoạt động thương mại điện tử mới phát triển mạnh trong những năm gần đây nên một số DN chưa nắm rõ quy định pháp luật về lĩnh vực này. Vì vậy, các DN tham gia hoạt động thương mại điện tử mong muốn cơ quan quản lý có nhiều chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật hơn nữa.   

           
Khó cả lực lượng chức năng


Đây là lần đầu tiên lực lượng QLTT thực hiện kiểm tra trong lĩnh vực thương mại điện tử. Qua kiểm tra cho thấy, công tác quản lý về thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Phạm Văn Hữu - Quyền Cục trưởng Cục QLTT Khánh Hòa cho biết, hiện nay, một cá nhân có thể dễ dàng tự thiết lập và sử dụng website thương mại điện tử vào hoạt động mua bán, kinh doanh của mình, nên việc quản lý hoạt động của các website thương mại điện tử do các cá nhân thiết lập gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử có địa chỉ gần giống với website thương mại điện tử của DN khác nhằm mục đích lợi dụng thương hiệu, hình ảnh và uy tín của DN đó để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình, gây nhầm lẫn đối với khách hàng. Số lượng tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử để bán hàng trên địa bàn tỉnh rất lớn nhưng lực lượng QLTT lại mỏng, đảm nhiệm nhiều chuyên đề kiểm tra khác. Trong khi đó, lực lượng QLTT chưa được tập huấn nghiệp vụ về lĩnh vực thương mại điện tử và các cơ quan quản lý nhà nước chưa có sự phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý những hành vi sai phạm kịp thời trong hoạt động thương mại điện tử.


Từ nay đến cuối năm, Cục QLTT tiếp tục kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử bán hàng; trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng cấm, hàng lậu có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ chơi trẻ em, quần áo… Cục QLTT sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc qua công tác kiểm tra hoạt động thương mại điện tử, báo cáo cấp trên để có hướng xử lý kịp thời. Đồng thời, cục sẽ kết hợp kiểm tra với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn quy định của pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử.


MAI HOÀNG