Quýt đường từng được xem là cây "trồng chơi ăn thật", mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha cho nông dân Khánh Sơn
Quýt đường từng được xem là cây “trồng chơi ăn thật”, mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha cho nông dân Khánh Sơn. Tuy nhiên, năm nay giá quýt giảm mạnh và khó tiêu thụ khiến nông dân gặp không ít khó khăn.
Hộ bà Ngô Thị Huê (thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm) có khoảng 250 cây quýt đường trồng xen với các loại cây ăn quả khác. Trong đó, có hơn 100 cây quýt đã cho thu hoạch. Với đặc tính dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, quýt đường được xem là cây “lấy ngắn nuôi dài” của gia đình bà. “Năm 2017, quýt đường có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, gia đình tôi thu được vài chục triệu đồng. Nhờ đó, có thêm kinh phí để chăm sóc sầu riêng, bưởi da xanh và trang trải cuộc sống. Năm nay, giá quýt chỉ được 10.000 - 12.000 đồng/kg nên nguồn thu giảm đáng kể”, bà Huê chia sẻ.
Hộ ông Nguyễn Hồng Ánh (thôn Liên Bình, xã Sơn Bình) có hơn 7ha quýt đường xen canh với các loại cây lâu năm khác. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Ánh thu hoạch khoảng 30 - 40 tấn. Mấy năm trước, giá quýt cao, thương lái đến tận vườn thu mua nên mỗi vụ ông Ánh thu nhập hàng trăm triệu đồng. Năm nay, quýt không chỉ rớt giá, thị trường tiêu thụ khá ảm đạm, sức mua chậm, gia đình ông phải thuê xe chở xuống đồng bằng bỏ mối và bán lẻ tại các chợ.
Khoảng 2 - 3 năm trước, quýt đường từng được xem là cây “trồng chơi ăn thật”, mang lại thu nhập lên đến 200 triệu đồng/ha cho nông dân Khánh Sơn. Vì thế, bên cạnh các mô hình, diện tích do Nhà nước hỗ trợ, nhiều hộ đã tự phát mở rộng diện tích canh tác loại cây trồng này. Hiện nay, diện tích quýt đường toàn huyện khoảng 60ha, trong đó tập trung chủ yếu tại một số xã như: Sơn Bình, Sơn Lâm…
Ông Lê Anh Quang - cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình cho biết, cây quýt đường bắt đầu được đem về trồng trên địa bàn xã cách đây khoảng 5 năm, đến nay diện tích đã tăng lên khoảng 50ha. Tuy nhiên, cây quýt đường chủ yếu trồng xen với các loại cây ăn quả lâu năm. Khi các loại cây trồng chính là sầu riêng, bưởi da xanh bắt đầu cho thu hoạch, nhiều hộ đã chặt bỏ cây quýt. Do ngay từ đầu người dân không chú trọng đầu tư, chăm sóc nhiều cho cây quýt, dẫn đến chất lượng không đồng đều, màu sắc không đẹp. Năm nay, đầu mùa giá quýt vẫn ở mức tương đối cao, khoảng 20.000 đồng/kg. Khoảng 2 tháng gần đây, giá quýt bất ngờ giảm mạnh, nông dân gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Theo lý giải của ông Lê Anh Quang, nguyên nhân của tình trạng giá quýt giảm mạnh do cung đã vượt cầu. Bên cạnh đó, nhiều diện tích quýt cho quả quanh năm, thị trường tiêu thụ không được mở rộng nên đầu ra sản phẩm không ổn định. Hơn nữa, phần lớn sản phẩm quýt đường trồng tại Khánh Sơn không thể cạnh tranh được với các tỉnh miền Nam về chất lượng, mẫu mã và giá cả.
Ông Mấu Xuân Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn cho biết: “Thời gian tới, hội sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các hội nghị đầu bờ, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phòng bệnh và sử dụng phân bón để cây quýt đường cho sản phẩm đảm bảo về chất lượng và mẫu mã. Để đầu tư trồng 1ha quýt đường, dù xen canh hay trồng thuần cũng phải mất hàng chục triệu đồng. Do đó, bà con nông dân cần thận trọng khi mở rộng diện tích loại cây trồng này, nhất là việc trồng thuần. Đồng thời, phải tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và phòng bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhằm tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm của các địa phương khác trên thị trường”.
Đinh Luận