Cách đây đúng 1 năm, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Tổng Công ty Khánh Việt, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin... là những đơn vị bị thiệt hại nặng nề nhất bởi cơn bão số 12 (Damrey).
Cách đây đúng 1 năm, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Tổng Công ty Khánh Việt, Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (HVS)... là những đơn vị bị thiệt hại nặng nề nhất bởi cơn bão số 12 (Damrey). Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) này không những hồi phục sản xuất mà còn có sự tăng trưởng đáng khích lệ.
Đầu tư thêm cơ sở vật chất
Cơn bão số 12 đã khiến HVS thiệt hại nặng nề. Một số cần cẩu có giá trị lớn bị hư hỏng, mái tôn của các nhà xưởng bị thổi bay. Hệ thống điện, thông tin liên lạc bị đình trệ. Tuy nhiên, ngay sau đó, HVS đã mời đoàn chuyên gia Hàn Quốc sang để sửa chữa các cần cẩu bị hư hỏng. Toàn thể công ty đã đồng tâm hiệp lực khắc phục thiệt hại. 1 năm trôi qua, tất cả cơ sở vật chất đã được phục hồi. Một số hạng mục cũng được ban giám đốc đầu tư mới để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Hiện nay, nhà máy đang hoạt động hết công suất.
Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cũng là một trong những đơn vị chịu nhiều thiệt hại do bão: hầu như toàn bộ thiết bị, máy móc đều hư hại nặng nề, tất cả các nhà xưởng bị tốc mái; hệ thống máy dệt hiện đại, đắt tiền bị nước mưa làm gỉ sét; phân xưởng may mặc và sợi bông tan hoang... Ông Lý Anh Tài - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết: “Tuy cơn bão số 12 đã để lại những hậu quả nặng nề cho DN, nhưng đến thời điểm này, chúng tôi đã cơ bản khắc phục các thiệt hại. Cơ sở vật chất cũng được đầu tư để phục vụ cho sản xuất. Các loại máy móc đắt tiền, nhà xưởng hư hại trước đây đã được chúng tôi sửa chữa, mua mới, đáp ứng các điều kiện tốt nhất cho người lao động”.
Đảm bảo tăng trưởng
Điều đáng mừng là những DN bị thiệt hại nặng không chỉ khắc phục được cơ sở vật chất mà còn tăng trưởng ổn định. Như Tổng Công ty Khánh Việt, sau bão Nhà máy thuốc lá Khatoco thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng; Xí nghiệp may Khatoco thiệt hại hơn 30 tỷ đồng. Vậy nhưng chỉ một năm sau, ngoài khắc phục thiệt hại, tốc độ tăng trưởng của đơn vị đã được đảm bảo, vẫn là DN đầu tàu trong phát triển kinh tế của tỉnh. Ông Lê Tiến Anh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khánh Việt cho biết: “Ngay đầu năm 2018, Khatoco đã nhanh chóng đẩy nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, các ngành, các đơn vị thuộc Tổng Công ty hoạt động tương đối ổn định và có nhiều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Tính đến thời điểm hiện tại, ngành thuốc lá đạt hơn 400 triệu bao. Ngành Du lịch doanh thu tăng khoảng 12%, lượt khách tham quan tăng 6%. Đối với ngành may mặc của Khatoco, tuy năm qua gặp không ít khó khăn nhưng vẫn đạt doanh thu cao hơn cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 9 triệu đồng”.
Đối với Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, mức độ tăng trưởng cũng đảm bảo như kế hoạch đề ra. Các sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Canada... Theo lãnh đạo công ty, đến tháng 10, đơn vị đạt doanh thu 800 tỷ đồng. 80% khách hàng có quan hệ làm ăn trước khi bão xảy ra đã ký hợp đồng trở lại. Dự kiến trong tháng 11 và 12, đơn vị sẽ xuất khẩu thêm 650.000 sản phẩm, thu về khoảng 1,7 triệu USD.
Trong khi đó, HVS cũng đạt được những con số ấn tượng trong điều kiện ngành đóng tàu cả nước nói chung còn nhiều khó khăn. Công ty luôn đảm bảo việc làm đầy đủ và ổn định cho hơn 4.500 lao động với thu nhập bình quân đạt 9,2 triệu đồng/người/tháng. Với tình hình kinh doanh tích cực như hiện nay, nhà máy hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu doanh thu đề ra cho năm 2018 là 408 triệu USD, tăng 30% so với năm trước. Tính đến tháng 10, HVS đã bàn giao được 10 tàu dầu trọng tải từ 50.000 đến 75.000 tấn cho các chủ tàu trên thế giới với doanh thu hơn 306 triệu USD (tương đương hơn 7.134 tỷ đồng), đạt 68% kế hoạch năm.
Đình Lâm