Thời gian qua, chi phí cho các chuyến biển tăng cao, nhất là giá xăng dầu liên tục tăng, trong khi sản lượng khai thác không đáng kể đã khiến ngư dân lâm vào tình cảnh khó khăn. Một số chủ tàu cá quyết định cho tàu nằm bờ.
Thời gian qua, chi phí cho các chuyến biển tăng cao, nhất là giá xăng dầu liên tục tăng, trong khi sản lượng khai thác không đáng kể đã khiến ngư dân lâm vào tình cảnh khó khăn. Một số chủ tàu cá quyết định cho tàu nằm bờ.
Tại cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) có nhiều tàu cá nằm bờ. Qua tìm hiểu, một số ngư dân cho hay, do lo ngại ra khơi sẽ thua lỗ nên họ quyết định cho tàu nằm bờ. Ngư dân Lê Văn Quyền - phường Vĩnh Trường (Nha Trang) chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, giá dầu tăng liên tục, từ hơn 12.000 đồng/lít lên mức hơn 19.000 đồng/lít. Giá dầu tăng kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng, đẩy chi phí chuyến biển tăng cao thêm khoảng 30%. Hiện nay, phí tổn cho một chuyến ra khơi 22 - 25 ngày khoảng 150 - 200 triệu đồng, tùy công suất tàu, thay vì từ 100 đến 130 triệu đồng như trước đây”.
Tương tự, ngư dân Lê Văn Hải - chủ tàu câu cá ngừ đại dương ở Hòn Rớ (xã Phước Đồng) cho hay: “Giá xăng dầu tăng, trong khi giá cá ngừ đại dương chỉ duy trì ở mức 120.000 đồng/kg nên hiệu quả chuyến biển thấp, thậm chí nhiều tàu rơi vào cảnh thua lỗ. Với tình hình này, nếu vươn khơi, khai thác phải đạt sản lượng 1,5 tấn thì mới chỉ đủ chi phí, trong khi thực tế chỉ được chưa đến 1 tấn. Đó là chưa kể do hiệu quả chuyến biển thấp, thu nhập của bạn thuyền ít nên chủ tàu khó kiếm được lao động. Đã xuất hiện tình trạng ngư dân ứng trước tiền từ chủ tàu nhưng không đi biển”.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.394 tàu cá xa bờ, trong đó có 633 tàu cá chuyên hoạt động ở vùng biển xa. Theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Quản lý cảng Hòn Rớ, qua theo dõi, hiện nay, số tàu đi khai thác xa bờ dài ngày (22 - 25 ngày/chuyến biển) của tỉnh đã giảm đến 50%; số tàu này chuyển sang đi ngắn ngày (khoảng 10 ngày/chuyến biển) hoặc cho tàu nằm bờ. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do chi phí tăng cao, nhất là xăng dầu, trong khi sản lượng khai thác xa bờ đạt thấp, giá cá không tăng, nhân công khan hiếm. Vì vậy, tuy đã đến tháng 11 nhưng kế hoạch thực hiện của cảng Hòn Rớ đạt thấp. Từ đầu năm đến nay, chỉ có 6.131 lượt tàu cá cập cảng, đạt 73% kế hoạch năm 2018; sản lượng thủy sản qua cảng đạt 9.731 tấn, đạt 74,9% kế hoạch; ngư dân chỉ lấy hơn 10,588 triệu lít dầu, đạt 62,3% kế hoạch…
Thực tế lâu nay, hoạt động khai thác hải sản của ngư dân vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Trong tình cảnh ấy, nhiều tàu cá vẫn tiếp tục bám biển là nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước. Cụ thể, 9 tháng năm 2018, Chi cục Thủy sản đã tiếp nhận 1.679 hồ sơ, tiến hành xét duyệt và hỗ trợ cho 434 tàu cá, với 754 chuyến biển theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. “Chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân khai thác ở vùng biển xa, tăng số chuyến biển được hỗ trợ để ngư dân có thêm điều kiện bám biển”, ngư dân Lê Văn Hải kiến nghị.
Theo ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, để đồng hành với ngư dân vươn khơi bám biển, thời gian qua, chi cục đã nhanh chóng hoàn thiện, xét duyệt để ngư dân tiếp cận với các chính sách hỗ trợ khai thác xa bờ của Chính phủ. Đồng thời, tổ chức các chuỗi liên kết để tạo đầu ra ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá thành hải sản cho ngư dân; dự báo ngư trường khai thác; tuyên truyền các quy định về khai thác hải sản cho ngư dân; truy xuất nguồn gốc sản phẩm…; xây dựng mô hình tổ đội với tàu khai thác, tàu dịch vụ thu mua hải sản cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm trên biển nhằm giúp tàu cá bám biển dài ngày, tiết giảm chi phí…
BÍCH LA