12:10, 18/10/2018

Hỗ trợ nghề, làng nghề truyền thống

Bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề là vấn đề luôn được chính quyền các cấp quan tâm. Tuy nhiên, để các sản phẩm của làng nghề thực sự khẳng định được giá trị trên thị trường, tạo nét đặc trưng vùng miền, cần có nhiều thời gian...

Bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề là vấn đề luôn được chính quyền các cấp quan tâm. Tuy nhiên, để các sản phẩm của làng nghề thực sự khẳng định được giá trị trên thị trường, tạo nét đặc trưng vùng miền, cần có nhiều thời gian...


Nhiều chính sách  hỗ trợ


Sau khi ban hành quyết định công nhận 11 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống cùng hàng loạt chính sách trợ giúp các làng nghề phát triển, đầu năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ gần 4 tỷ đồng cho 6 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Sau khi nhận kinh phí, các làng nghề đã và đang tập trung đầu tư phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời vẫn giữ được nét truyền thống, đặc trưng của vùng đất Khánh Hòa.

 

Người làm nghề trầm hương tại xã Vạn Thắng.

Người làm nghề trầm hương tại xã Vạn Thắng.


Ông Hoàng Đình Hậu - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết: “UBND tỉnh đã hỗ trợ làng nghề trầm ở thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng 2,7 tỷ đồng. Trong đó gồm kinh phí xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, thiết lập cổng chào làng nghề. Đồng thời, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ máy móc sản xuất nhang nụ, tập huấn, đào tạo công nhân. Đây là tín hiệu vui khẳng định làng nghề đang được Nhà nước quan tâm hỗ trợ phát triển”. Theo ông Hậu, sau rất nhiều năm, làng trầm đang dần sống lại, sản phẩm làm ra đã có nhiều thay đổi, phục vụ tốt hơn nhu cầu thị trường, được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến; đời sống của người làm nghề cũng khá hơn trước.


Năm 2018, làng nghề đan giỏ cần xé thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm cũng được hỗ trợ 135 triệu đồng để phục vụ sản xuất. Trước đây, nghề này chỉ là công việc làm thêm mỗi khi nông nhàn thì hiện nay đã trở thành nghề thu nhập chính của nhiều hộ ở thôn Suối Cát. Vào những đợt cao điểm mùa cá, giỏ cần xé rất hút hàng và giá tăng cao, nhiều gia đình thu nhập khá. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu phải mua hoàn toàn, chi phí cao, hàng nằm chờ lâu nên người dân rất cần được hỗ trợ vốn để sản xuất và duy trì nghề. Bà Trần Thị Thủy (cơ sở đan cần xé thôn Suối Cát) cho biết: “Vấn đề vốn luôn được bà con làng nghề trăn trở, thậm chí có lúc nhiều hộ nghĩ đến việc bỏ nghề. Hiện nay được tỉnh hỗ trợ, các hộ có điều kiện mua các loại máy móc, trả tiền công lao động và mua thêm vật liệu để đan giỏ. Duy trì được nghề chúng tôi mừng lắm, bởi nghề này không những tạo thêm thu nhập cho phụ nữ nông nhàn, mà còn tạo việc làm cho những người bị khuyết tật, gia đình nghèo khó, người cao tuổi…”.


Ngoài 2 làng nghề kể trên, UBND tỉnh còn hỗ trợ nghề gốm truyền thống Trung Dõng (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh) 169 triệu đồng, gốm Lư Cấm (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) 370 triệu đồng và nghề dệt chiếu Mỹ Trạch (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) 130 triệu đồng. Nghề đúc đồng Phú Lộc (thị trấn Diên Khánh) cũng được hỗ trợ 430 triệu đồng để tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải.

 
Tiếp tục thay đổi


Bảo tồn nghề và làng nghề truyền thống không chỉ đơn thuần là lưu giữ những nét văn hóa, mà còn giúp một lượng lớn lao động nông thôn có thêm thu nhập, hỗ trợ phát triển một số lĩnh vực kinh tế khác cùng phát triển. Tuy nhiên, có một thực trạng tồn tại ở các làng nghề là hoạt động sản xuất manh mún, mặt bằng sản xuất chật hẹp, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; sản phẩm làm ra chất lượng không cao nên khó cạnh tranh trên thị trường.


Để đưa ngành thủ công mỹ nghệ trở thành ngành phụ trợ quan trọng cho du lịch, cần sớm lập dự án điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn đến năm 2020, trong đó cần có kế hoạch cụ thể để phát triển du lịch gắn với làng nghề. Các làng nghề như: đúc đồng Phú Lộc, chiếu cói Mỹ Trạch, gốm Lư Cấm, gốm Trung Dõng, đá mỹ nghệ Ninh Giang... cần phải đa dạng, chất lượng, chú trọng khai thác triệt để những thế mạnh. Đồng thời, không gian làng nghề nên tổ chức, sắp xếp lại phù hợp để phục vụ du lịch.


Ông Trần Lân - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho rằng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, tỉnh nên kết hợp nghề truyền thống với phát triển du lịch. Hiện nay, để sản phẩm làng nghề cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường vẫn rất khó khăn. Du khách không thể tới làng nghề đá Ninh Giang để mua cả cái cối đá, hay ghé gốm Lư Cấm để mua vài cái bếp lò... Vì thế, cần phải kết nối với các tour du lịch, trung tâm mua sắm để khách có thể tiếp cận với sản phẩm. Muốn tìm được đầu ra cho sản phẩm, các làng nghề cũng cần tiếp tục thay đổi về mẫu mã và kích thước của sản phẩm cho phù hợp với thị trường.


Được biết, trong thời gian tới, thông qua các đợt triển lãm, hội chợ, nhiều sản phẩm của làng nghề sẽ được trưng bày, tham gia vào công tác xúc tiến thương mại, quảng cáo sản phẩm, tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định. Nhiều sản phẩm của làng nghề tiếp tục được đưa đi tham dự sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia.


Nhật Minh