Những năm qua, chương trình tín dụng chính sách cho vay vốn sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn đã giúp nhiều người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Những năm qua, chương trình tín dụng chính sách cho vay vốn sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn đã giúp nhiều người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Trước đây, huyện Vạn Ninh chỉ có 1 xã Vạn Thạnh thuộc vùng khó khăn nhưng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ mới đây, Vạn Ninh có thêm 7 xã, nâng tổng số lên 8 xã khó khăn, trong đó có xã Vạn Bình. Khi có nguồn vốn cho vay đối với xã thuộc vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), bà Trần Thị Phấn (xã Vạn Bình) đã vay 20 triệu đồng để mua bò cái giống. Nhiều hộ cũng vay vốn để nuôi bò như bà Phấn vì chỉ bỏ công chứ không tốn tiền; mặt khác, vốn vay không quá lớn nên hộ vay đủ điều kiện để trả nợ.
Cơn bão số 12 năm 2017 đã làm mấy héc-ta keo của gia đình bà Nguyễn Thị Trâm (thôn Đá Mài, xã Diên Tân, Diên Khánh) bị gãy đổ nên phải thu hoạch bán non. Phát dọn xong, gia đình bà Trâm vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để chuẩn bị trồng lại 4ha keo. Bà Trâm tính toán, để trồng lại diện tích keo cần khoảng 60 triệu đồng, gia đình bỏ nhiều công sẽ bớt phần nào. Thời hạn trả nợ 4 năm, lúc đó, keo cũng gần cho thu hoạch. Trong thời gian đó, bà buôn bán ở chợ mỗi tháng sẽ tiết kiệm trả dần. Trước đây, gia đình bà Trâm vay vốn nuôi bò và đã trả hết nợ vay.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi tằm của gia đình bà Lê Thị Kim Linh (thôn Đá Mài, xã Diên Tân). Bà Linh cho biết, mỗi tháng chăm sóc tốt sẽ thu 2 lứa, mỗi lứa vài chục ký. Với giá trung bình 140.000-150.000 đồng/kg kén, trừ chi phí cũng cho gia đình bà thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Ngoài trồng dâu nuôi tằm, gia đình bà Linh còn trồng keo, trồng mía. Trước đây, gia đình bà vay vốn NHCSXH để trồng keo, trồng mía rồi mỗi năm dành dụm mở rộng ngày càng nhiều hơn. Cuối năm 2017, cơn bão số 12 đã làm ngã đổ nhiều diện tích keo, mía của gia đình. Sau bão, gia đình bà mạnh dạn chuyển đổi 1ha trồng mía sang trồng dâu nuôi tằm. Gia đình được công ty bán trả chậm con giống, cây giống, bộ đồ nghề, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Bà Linh cho biết, mô hình trồng dâu nuôi tằm cần vốn đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng, bao gồm đầu tư nhà nuôi tằm và hệ thống tưới vì cây dâu đòi hỏi phải đảm bảo nguồn nước. Tuy chưa đầy 1 năm nhưng mô hình này hiệu quả nên gia đình bà Linh chuẩn bị trồng thêm.
Theo bà Nguyễn Ngọc Bảo Uyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diên Tân, vốn NHCSXH ủy thác qua Hội Phụ nữ hơn 12,1 tỷ đồng, chiếm hơn nửa tổng số dư nợ vốn vay toàn xã. Chị em phụ nữ của xã đã sử dụng hiệu quả vốn vay, nhiều năm không có nợ quá hạn. Ông Lê Văn Thành - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Diên Khánh cho biết, huyện có 2 xã là Suối Tiên và Diên Tân thuộc vùng khó khăn. Đến nay, dư nợ cho vay chương trình này là 5,1 tỷ đồng. Hộ vay vốn sử dụng vào mục đích chăn nuôi, trồng trọt, trả lãi và gốc đúng hạn.
Theo Quyết định 1010 ngày 10-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 41 xã thuộc vùng khó khăn, tăng 19 xã so với đầu năm. Theo đại diện NHCSXH tỉnh, đến ngày 23-10, dư nợ cho vay vốn chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đạt gần 190 tỷ đồng, tăng hơn 39 tỷ đồng so với đầu năm; doanh số cho vay 10 tháng đạt hơn 76 tỷ đồng.
NAM DU