Thời gian qua, người nuôi ốc hương trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đứng ngồi không yên khi ốc liên tục chết, thậm chí có hộ thả nuôi đến lần thứ 2, thứ 3 vẫn bị chết. Nguyên nhân của tình trạng này do đâu?
Thời gian qua, người nuôi ốc hương trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đứng ngồi không yên khi ốc liên tục chết, thậm chí có hộ thả nuôi đến lần thứ 2, thứ 3 vẫn bị chết. Nguyên nhân của tình trạng này do đâu?
Những ngày qua, nông dân nuôi ốc hương trên vùng đìa K18 (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) phải liên tục bám đìa, kiểm tra tình hình ốc hương, bổ sung các loại khoáng chất để tăng sức đề kháng cho ốc nuôi, bởi nhiều đìa nuôi ốc trong vùng xuất hiện ốc bị bệnh chết, tỷ lệ hao hụt cao. Đang trộn thuốc vào thức ăn cho ốc, ông Nguyễn Thương - người nuôi tại đây cho hay: “Cách đây 2 tháng, gia đình tôi thả nuôi 2,8 triệu con giống. Ốc hiện còn nhỏ, sức đề kháng yếu, trong khi mưa nắng thất thường khiến tôi đứng ngồi không yên. Lo nhất là mưa xuống ốc bị nước bạc, sưng vòi, đơ mày, tỷ lệ hao hụt sẽ rất lớn”. Trong khi đó, ông Lê Văn Minh - người nuôi ốc cạnh đìa ông Thương chia sẻ: “Nắng nóng gay gắt liên tục, đến tháng 9 thì mưa giông nhiều trận khiến cho đìa ốc với gần 3 triệu con giống của gia đình tôi thả nuôi được hơn 3 tháng xuất hiện tình trạng ốc bỏ ăn, nổi lờ đờ trên mặt nước. Khi lặn kiểm tra, tôi thấy ốc chết hàng loạt ở dưới đáy đìa, tỷ lệ hao hụt đã hơn 40%”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Thu - Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết: “Hiện nay, diện tích nuôi ốc hương trên địa bàn rất lớn. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết thất thường, nguồn nước không đảm bảo nên một số đìa nuôi có ốc bị chết. Chỉ tính riêng trong tháng 9, trên địa bàn xảy ra 2 đợt ốc chết. Trong đó, đợt ngày 6-9 có 0,3ha bị thiệt hại 30 - 70%; đợt ngày 19-9 có 0,75ha bị thiệt hại 30%. Ở một số đìa nuôi khác cũng xuất hiện tình trạng ốc chết, tỷ lệ hao hụt dưới 10%. Hiện nay, địa phương tiếp tục theo dõi tình hình, tuyên truyền người dân sử dụng thuốc phòng trị bệnh cho ốc”.
Tình trạng ốc hương chết không chỉ có ở Vạn Hưng mà còn diễn ra ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Vạn Ninh. “Toàn huyện hiện có 369ha ao đìa nuôi ốc hương. Diện tích nuôi tập trung chủ yếu ở các xã: Vạn Hưng, Vạn Khánh, Vạn Thắng, Vạn Thọ, Vạn Long, Vạn Phước, Vạn Thạnh. Thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng ốc hương chết lai rai đến liên tục. Trong đó, ốc chết nhiều nhất là tại Vạn Thạnh, tỷ lệ hao hụt lên đến 70% và Vạn Hưng, tỷ lệ hao hụt lên đến 30 - 40%. Qua thống kê sơ bộ của một số địa phương, diện tích ốc chết khoảng hơn 20ha”, ông Đặng Tri Thông - chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết.
Theo nhận định của Chi cục Thủy sản, tình trạng bệnh trên ốc hương tại Vạn Ninh đang diễn ra phức tạp, gây thiệt hại lớn đối với người nuôi. Kết quả xét nghiệm 2 mẫu ốc hương bị bệnh tại địa phương này cho thấy, mật độ vi khuẩn Vibrio sp. cao. Ngoài ra, ốc hương còn nhiễm trùng lông và nấm Fusarium sp.
Với tình hình này, huyện Vạn Ninh đã chỉ đạo UBND các xã có người nuôi ốc hương tuân thủ các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh đã được ngành chuyên môn hướng dẫn. Để phòng bệnh, người nuôi cần chú trọng chọn con giống đạt chất lượng, chỉ nên mua giống ở những cơ sở cung cấp giống uy tín, thả giống đúng kích cỡ và mật độ, không nên thả giống quá nhỏ. Trong quá trình nuôi cần quản lý môi trường ao nuôi sạch sẽ, hiện nay thời tiết chiều tối và đêm có mưa rào và dông, ngày nắng nóng nên người nuôi cần lưu ý điều chỉnh các yếu tố trong môi trường ao nuôi ốc hương cho phù hợp (đặc biệt yếu tố nhiệt độ và độ mặn). Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra nền đáy trong quá trình nuôi; bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn giúp ốc tăng trưởng tốt, kháng bệnh.
BÍCH LA