Những tháng đầu năm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh chưa đạt kết quả như mong đợi. Vì vậy, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy và tìm kiếm các nhà đầu tư.
Những tháng đầu năm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chưa đạt kết quả như mong đợi. Vì vậy, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy và tìm kiếm các nhà đầu tư.
Chỉ có 2 dự án được cấp phép
Đến hết tháng 6, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó là Dự án cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý “Covenant Consulting” của nhà đầu tư đến từ Canada với tổng mức đầu tư 22.000USD và Dự án Nhà kho của Công ty TNHH GYEONGNAM INSU với vốn đầu tư đăng ký 0,36 triệu USD. Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cũng đã nhận 4 hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư nhưng không tăng hoặc giảm số vốn thực hiện.
Cùng thời điểm này, có 4 lượt điều chỉnh tăng vốn FDI. Cụ thể, Khu kinh tế (KKT) Vân Phong có 1 dự án đăng ký tăng 0,6 triệu USD; Khu Công nghiệp Ninh Thủy có 1 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư thêm 3,64 triệu USD; Khu Công nghiệp Suối Dầu có 2 dự án tăng vốn, với tổng vốn tăng 2,6 triệu USD. Ngoài ra, KKT Vân Phong có 1 dự án giãn tiến độ và 1 dự án bị thu hồi. Trong đó, Dự án của Công ty TNHH An Phước Sunpo giãn tiến độ do thay đổi đơn hàng dây chuyền, máy móc, thiết bị theo công nghệ mới; còn Dự án của Công ty TNHH Thủy sản Hoằng Kỳ đã tiến hành thu hồi do nhà đầu tư chấm dứt hoạt động dự án.
Tính đến tháng 7, Sở KH-ĐT đã tiếp nhận và xử lý 25 bộ hồ sơ đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; phần lớn các doanh nghiệp được góp vốn hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.
Giải thích thực trạng này, ông Hoàng Đình Phi - Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết: “Việc thu hút FDI những tháng đầu năm chưa đạt được như kỳ vọng là do kinh tế thế giới có nhiều biến động, chính sách đầu tư của các nước cũng có những điều chỉnh. Bên cạnh đó, do nguồn lực đầu tư nước ngoài trên thế giới có xu hướng giảm, trong khi cạnh tranh về chi phí nhân công, môi trường kinh doanh giữa các nước đang gia tăng. Không chỉ vậy, hiện nay, Chính phủ Mỹ đánh thuế tương đối cao đối với các quốc gia đang phát triển có hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, đơn cử Việt Nam có một số mặt hàng như: sắt, thép, phôi thép, nhôm, nông sản thực phẩm… Đây là rào cản khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải xem xét, vì khi họ đầu tư vào Việt Nam và hàng hóa đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ thì sẽ phải chịu chi phí lớn hơn cùng những rủi ro lớn hơn. Một số nước châu Âu cũng như một số thị trường quen thuộc của Việt Nam trong thời gian qua cũng có động thái đánh thuế cao hơn, đưa ra những rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm của Việt Nam, điều này có thể làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam”.
Nhiều giải pháp
Để tạo nên những đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài, thời gian qua, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Dự kiến cuối quý III/2018, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị quảng bá xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại tại Nhật Bản. Đây được xem là hoạt động quan trọng nhất năm 2018, hy vọng sẽ tạo nên những đột phá mạnh mẽ nhằm kêu gọi các nhà đầu tư. Theo đồng chí Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh, đây là hoạt động nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Khánh Hòa với các đối tác Nhật Bản. Từ đó, sẽ thu hút các nguồn vốn đầu tư, công nghệ hiện đại, tiên tiến của Nhật Bản, tạo động lực phát triển kinh tế cho tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp, tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng KKT, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đặc biệt, thu hút các dự án thứ cấp vào những ngành, lĩnh vực như: sản xuất thiết bị năng lượng, thiết bị điện, điện tử, thiết bị linh kiện hàng hải, thiết bị gia dụng, chế biến nông lâm thủy sản; lĩnh vực cảng biển, đóng tàu, công nghiệp phụ trợ đóng tàu, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cũng được quan tâm đúng mức. Song song đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững, cho ra những sản phẩm chất lượng, năng suất, cạnh tranh với các khu vực lân cận; đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong và ngoài nước trong phát triển dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong các ngành khoa học, công nghệ kỹ thuật.
Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: “Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hướng đến các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và một số nước EU, các nước có quan hệ ngoại giao, kết nghĩa với Khánh Hòa để kêu gọi đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin - tuyên truyền đến các đối tác, nhà đầu tư, cơ quan ngoại giao, thông tấn, báo chí trong và ngoài nước về con người, hình ảnh, môi trường đầu tư, các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh. Đặc biệt, sẽ tập trung thu hút vốn đầu tư của Nhật Bản vào khu vực sản xuất công nghiệp tập trung Ninh Thọ với tổng diện tích 235ha, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 200 triệu USD. Ngoài ra, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào Khu Công nghiệp Ninh Thủy, Suối Dầu và các dự án khác”.
Đình Lâm