10:08, 01/08/2018

Tăng trưởng vốn vay lĩnh vực ưu tiên

Đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 74.516 tỷ đồng, tăng 27,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn tín dụng hướng tới các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tập trung các đối tượng ưu tiên chiếm 49% tổng dư nợ, tăng trưởng 9,74% so với đầu năm.

Đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay toàn tỉnh Khánh Hòa đạt 74.516 tỷ đồng, tăng 27,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn tín dụng hướng tới các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tập trung các đối tượng ưu tiên chiếm 49% tổng dư nợ, tăng trưởng 9,74% so với đầu năm.


Vốn vay chảy vào lĩnh vực ưu tiên


Ông Lương Phan Sảng - Giám đốc Vietcombank Khánh Hòa cho biết: “Đến ngày 30-6, dư nợ cho vay tại chi nhánh đạt 9.900 tỷ đồng. Trong đó, chúng tôi dành khoảng 2.000 tỷ đồng vốn vay cho lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất và những doanh nghiệp (DN) trọng yếu của tỉnh. Chúng tôi dành hơn 1.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ 5,3%/năm cho DN có đóng góp ngân sách lớn nhất cho tỉnh; dành 437 tỷ đồng với lãi suất 6,2%/năm cho một DN dệt may có số lao động đông; dành 200 tỷ đồng với lãi suất 6,2%/năm cho Công ty TNHH một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa thực hiện chuỗi sản xuất nông nghiệp và một số DN khác”.

 

Vùng nguyên liệu mía của BHS-NH tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa

Vùng nguyên liệu mía của BHS-NH tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa


Theo bà Lâm Thị Nguyệt Oanh - Phó Giám đốc BIDV Khánh Hòa, ngân hàng có gói hỗ trợ DN với lãi suất chỉ 5%/năm; riêng dư nợ cho vay xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tại chi nhánh đã gần 2.000 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngoại tệ. Còn tại Agribank chi nhánh Khánh Hòa, 6 tháng, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng xấp xỉ 5%.


Theo ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, đến ngày 30-6, dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên đạt 36.200 tỷ đồng, chiếm 49% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh. Trong đó, cho vay phục vụ xuất khẩu 4.200 tỷ đồng, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn 15.300 tỷ đồng, cho vay phục vụ DN nhỏ và vừa 16.700 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng trên địa bàn còn cho vay 3 chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó là, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình phát triển đô thị và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.


Tiếp tục đẩy mạnh cho vay


Mới đây, Thống đốc NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DN nhỏ và vừa; DN ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức tín dụng phải áp dụng lãi suất cho vay đối với các khách hàng theo đúng quy định. Đồng thời, thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.


Theo ông Đỗ Trọng Thảo, trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại tập trung thực hiện các giải pháp: mở rộng tín dụng có hiệu quả nhưng tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung vốn cho vay các chương trình kinh tế của Chính phủ và của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: cho vay các DN ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ cho người dân và DN khắc phục hậu quả cơn bão số 12 năm 2017 . Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng DN để tạo điều kiện cho DN thiếu vốn được tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý.


NAM DU