TP. Cam Ranh đang giao đơn vị tư vấn nghiên cứu xây dựng đề án vùng rau an toàn làm định hướng phát triển các khu vực sản xuất rau an toàn, chất lượng.
TP. Cam Ranh đang giao đơn vị tư vấn nghiên cứu xây dựng đề án vùng rau an toàn làm định hướng phát triển các khu vực sản xuất rau an toàn, chất lượng.
Dự kiến xây dựng tại 3 khu vực
Lãnh đạo TP. Cam Ranh cho biết, thành phố đang xây dựng đề án phát triển vùng rau an toàn trên địa bàn. Dự kiến, sẽ hình thành 3 vùng rau an toàn công nghệ cao tại Cam Phước Đông, Cam Thành Nam và Cam Nghĩa. Mục tiêu của đề án là chuyển đất trồng lúa 1 vụ, cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng các loại rau, cây gia vị nâng cao hiệu quả kinh tế, hình thành vùng rau an toàn (GAP) sản xuất theo hướng tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở hình thành tổ liên kết bao tiêu, gắn nhãn mác cho sản phẩm. Đến năm 2020, diện tích rau an toàn chiếm 20%, năm 2030 chiếm 30% diện tích rau toàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Bình Nhật - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, đề án có đưa ra một số giải pháp để phát triển vùng rau an toàn như: đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng vùng quy hoạch rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng rau phủ bạt, rau nhà lưới, nhà kính, áp dụng phương pháp tưới tự động các loại rau có giá trị kinh tế cao như: măng tây, cà rốt, cà chua, dưa leo, củ cải, hành, kiệu… Bên cạnh đó, tập huấn cho người dân về quy trình sản xuất rau an toàn, kiểm soát chặt quy trình sản xuất, đầu ra sản phẩm, tổ chức cho nông dân tham quan mô hình rau an toàn ở một số địa phương có mô hình tốt; thành lập tổ hợp tác rau an toàn, tích cực tìm kiếm thị trường ổn định tại các thị trường lớn như: Nha Trang, Phan Rang - Tháp Chàm, TP. Hồ Chí Minh; áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất bảo quản, chế biến rau; tìm kiếm và ký kết hợp đồng bao tiêu thu mua rau ổn định các chợ đầu mối, siêu thị và các doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ rau lớn…
Trăn trở đầu ra
Ông Lê Văn Hoàng - người dân vùng chuyên canh rau Trà Sơn (Cam Phước Đông) cho biết, hàng chục năm qua, người dân Trà Sơn vẫn sống bằng nghề trồng rau. Nếu thời tiết thuận lợi, đầu ra bình ổn, người dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, gặp lúc thị trường khó khăn, người trồng rau phải đổ bỏ sản phẩm cho gia súc ăn. Hiện nay, gia đình ông có 4 người canh tác gần 2 sào rau, thu nhập bình quân 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Nếu Nhà nước vận động làm rau an toàn thì ông hoàn toàn ủng hộ, tuy nhiên, Nhà nước cần có giải pháp tạo đầu ra ổn định để người dân an tâm.
Tiến Ra là tổ hợp tác trồng rau an toàn duy nhất của TP. Cam Ranh đến thời điểm này. Theo ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổ trưởng tổ hợp tác, hàng ngày, tổ cung cấp 4 - 5 tấn rau các loại phục vụ thị trường Cam Ranh và Nha Trang. Tổ có địa chỉ cung cấp ổn định cho các nhà hàng, siêu thị và các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn.
Ông Ngô Văn Nhẹ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Nam cho hay, xã có nhiều tiềm năng sản xuất rau an toàn nhưng hiện nay người dân chưa mặn mà. Tuy nhiên, nếu Nhà nước quan tâm quy hoạch, đầu tư công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật và tạo đầu ra ổn định thì người dân sẵn sàng làm theo. Hiện nay, có một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đặt vấn đề liên kết xây dựng mô hình rau an toàn, diện tích 1 - 2ha. Nếu mô hình được xúc tiến, người dân sẽ trở thành công nhân, doanh nghiệp trả lương. Còn để tự người dân đầu tư thì rất khó vì mô hình này đòi hỏi phải có vốn lớn.
PHÚ LÂM