Sau 2 năm triển khai, mới đây, đề án chuyển đổi cây trồng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh theo hướng tăng mạnh diện tích trồng cây ăn quả.
Sau 2 năm triển khai, mới đây, đề án chuyển đổi cây trồng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh theo hướng tăng mạnh diện tích trồng cây ăn quả.
Cú hích từ chính sách
Cuối năm 2016, UBND tỉnh ban hành đề án chuyển đổi cây trồng, nhằm khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, đất lúa không chủ động nước được chuyển sang rau màu, còn rẫy tạp, cây lâu năm kém hiệu quả được khuyến khích chuyển sang cây ăn quả.
Trong năm 2017, tỉnh đã chi gần 10 tỷ đồng để hỗ trợ người dân về giống, phân bón, đầu tư tưới tiêu… trên diện tích chuyển đổi là 327ha. Theo Chi cục Phát triển nông thôn, trong năm 2018, tỉnh dành khoản ngân sách hơn 18 tỷ đồng để hỗ trợ người dân các địa phương chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ cao và chăn nuôi tập trung. Trong đó, gần 16,5 tỷ đồng sẽ được sử dụng để chuyển đổi khoảng 630ha cây trồng. Huyện Khánh Sơn là địa phương thực hiện chuyển đổi nhiều nhất với 386ha, nguồn ngân sách tỉnh hơn 11,8 tỷ đồng để hỗ trợ người dân chuyển sang trồng sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm và mía tím.
Nhờ thực hiện đề án chuyển đổi cây trồng, những năm qua, hàng nghìn héc-ta xoài Canh Nông tại Cam Lâm đã được chuyển thành xoài Úc, cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan, mang về thu nhập tốt hơn cho người trồng xoài. Thủ phủ cây ăn quả mà Khánh Sơn có được ngày hôm nay cũng chuyển từ các rẫy tạp mì, lúa, bắp kém hiệu quả. Ở Khánh Vĩnh, diện tích trồng bưởi da xanh cũng tăng nhanh chóng, trở thành cây chủ lực của huyện miền núi này. Còn tại Ninh Hòa, cây lúa đang được phát triển thành vùng chuyên canh, bên cạnh đó là xây dựng thương hiệu để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Ngoài ra, nơi đây còn là mảnh đất màu mỡ của rau sạch, dừa xiêm, tỏi sẻ… Những loại cây này đã dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường thông qua việc trồng và chăm sóc theo quy trình sạch, xây dựng thương hiệu.
Tăng diện tích trồng cây ăn quả
Đề án chuyển đổi cây trồng năm 2016 với mục tiêu ban đầu đến năm 2020, toàn tỉnh có hơn 3.400ha diện tích cây trồng được chuyển đổi. Trong đó, chỉ có hơn 1.000ha đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn quả. Diện tích được chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng hàng năm khác chiếm tới 2/3.
Năm 2017, đề án này được tỉnh điều chỉnh quy mô chuyển đổi đến năm 2020 lên gần 5.900ha. Trong đó, có hơn 3.400ha đất lúa kém hiệu quả, không chủ động nước chuyển sang các cây trồng hàng năm khác. Diện tích đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái được nâng lên thành 2.464ha.
Đến tháng 5-2018, tỉnh tiếp tục có quyết định điều chỉnh đề án chuyển đổi cây trồng. Theo đó, diện tích chuyển đổi cây trồng đến năm 2020 được đặt ra trên 7.260ha. Trong đó, việc chuyển đổi trên diện tích đất lúa kém hiệu quả, không chủ động nước sang các cây trồng hàng năm khác giảm xuống còn khoảng 3.100ha. Ngược lại, diện tích đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả được tăng lên gần gấp đôi so với trước, hơn 4.100ha. Tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ được nâng từ 48 tỷ đồng lên khoảng 88 tỷ đồng. Phần lớn số tiền này được dùng vào việc chuyển sang trồng các loại cây ăn quả (khoảng 67,7 tỷ đồng).
Có thể thấy, với chính sách hỗ trợ của tỉnh, hoạt động chuyển đổi cây trồng đang được người dân đẩy mạnh trong thời gian qua, diện tích cây ăn quả ngày càng được mở rộng và khẳng định tính hiệu quả so với các loại cây trồng trước đó. Theo ông Huỳnh Quang Thành - Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn, đề án chuyển đổi cây trồng của tỉnh là cơ sở để các địa phương mạnh dạn đề xuất diện tích chuyển đổi tập trung vào các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, các địa phương và sở, ngành chức năng đang tập trung triển khai hỗ trợ cho người dân chuyển đổi cây trồng theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Hồng Đăng