08:07, 09/07/2018

Công nghiệp nông thôn: Cần thêm trợ lực

Những năm trước đây, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Những năm trước đây, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, nhờ có các đề án khuyến công địa phương, khuyến công quốc gia, một số cơ sở sản xuất đã bắt đầu có bước chuyển mình. 
 
Công ty TNHH Việt Pháp được trợ lực từ chương trình khuyến công.
Công ty TNHH Việt Pháp được trợ lực từ chương trình khuyến công.
 
Nhiều hoạt động thiết thực
 
Các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, năng lực về vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý, phát triển thị trường còn hạn chế, trong khi đây lại là lực lượng nòng cốt cho phát triển công nghiệp ở các địa phương. 
 
Nhằm hỗ trợ các đơn vị đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, trong năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) đã hỗ trợ 6 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Trong đó, phải kể đến một số đề án tiêu biểu như: Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất các thiết bị phục vụ ngành nông nghiệp đối ứng quy mô 250 sản phẩm/năm của hộ kinh doanh Lưu Văn Khoa, huyện Diên Khánh; Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất trầm hương không tăm của Công ty TNHH Trầm hương Biện Quốc Dũng, thị xã Ninh Hòa; Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất gốm truyền thống, quy mô 1.300 sản phẩm/năm của hộ kinh doanh Trần Thị Thu, huyện Vạn Ninh...
 
Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với các địa phương thực hiện 3 mô hình trình diễn kỹ thuật với kinh phí 1,1 tỷ đồng từ nguồn khuyến công quốc gia. Các mô hình này nhằm trình diễn cho các đơn vị trên địa bàn tham quan, học tập, đồng thời góp phần thúc đẩy sản xuất của đơn vị được hỗ trợ thực hiện mô hình. Ông Hoàng Trọng Tứ - Giám đốc Công ty TNHH Việt Pháp cho biết: “Nguồn hỗ trợ từ chương trình khuyến công đã đem lại nhiều lợi ích cho DN. Từ nguồn hỗ trợ, công ty chúng tôi đã đầu tư máy móc để có thể sản xuất 1.500 sản phẩm vận động cho trẻ em/năm; phục vụ thị trường ngày càng tăng, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu ở địa phương. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho 150 lao động”.
 
Theo đánh giá của Sở Công Thương, nội dung các đề án hỗ trợ khá toàn diện, từ phát triển sản xuất cho đến tìm kiếm thị trường. Riêng nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được Trung tâm ưu tiên nguồn lực triển khai. Đây là hoạt động hỗ trợ trực tiếp, đem lại hiệu quả kinh tế nhanh và bền vững cho đối tượng thụ hưởng.
 
Tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp
 
Hiện nay, Trung tâm đang tập trung khảo sát nhu cầu của DN nhằm xây dựng các đề án hỗ trợ; tư vấn về thiết bị công nghệ, giúp DN lựa chọn đầu tư đúng hướng; tăng cường hoạt động tuyên truyền quảng bá, phổ biến sâu rộng hơn chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp tới các DN, cơ sở sản xuất CNNT. Tổng kinh phí khuyến công trong năm 2018 khoảng 1,9 tỷ đồng. Trong đó, có 700 triệu đồng từ nguồn khuyến công quốc gia, 1,2 tỷ đồng từ nguồn khuyến công địa phương. Dự kiến đến cuối năm sẽ tổ chức trình diễn kỹ thuật, nghiệm thu mô hình ở Công ty Cổ phần Fifty Fresh Farms và Công ty Cổ phần Công nghệ sinh phẩm Nam Việt. Đồng thời, sẽ hỗ trợ 10 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến từ nguồn khuyến công địa phương cho 10 cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn. 
 
Ông Nguyễn Sanh Đương - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: “Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ đầu tư, đổi mới thiết bị, máy móc, công nghệ tạo bước chuyển biến tích cực trong việc hiện đại hóa sản xuất, giảm lao động thủ công, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường cho các cơ sở CNNT”.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động khuyến công trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đó là, chưa có nhiều cơ sở CNNT đủ năng lực đầu tư sản phẩm mới, công nghệ mới; áp dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất. Đa số các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính hộ gia đình, thiếu vốn đầu tư; thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao dẫn đến hạn chế trong quá trình đầu tư phát triển. Mặt khác, mức hỗ trợ cho các đơn vị còn thấp so với tổng vốn đầu tư nên chính sách khuyến công chưa thật sự thu hút mạnh đối với các cơ sở CNNT.
 
Đình Lâm