Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn hơn 1 năm qua đã góp phần tạo nên cú hích cho nông dân trong tỉnh mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là nâng tầm quy mô sản xuất.
Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn hơn 1 năm qua đã góp phần tạo nên cú hích cho nông dân trong tỉnh mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là nâng tầm quy mô sản xuất. Chính sách này vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa thay đổi theo hướng thuận lợi hơn về điều kiện thụ hưởng, giúp nhiều người dân có thể tiếp cận.
Cú hích cho nông nghiệp
Ngày 13-3-2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 661 quy định thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Chính sách này nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp, chế biến, tiêu thụ nông sản và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện quyết định này, tháng 8-2017, UBND tỉnh đã hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng cho các địa phương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Trong đó, huyện Khánh Sơn được hỗ trợ hơn 7,4 tỷ đồng, huyện Khánh Vĩnh 2,2 tỷ đồng, một số địa phương khác được hỗ trợ từ 85 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng. Số tiền này được các địa phương sử dụng chủ yếu vào việc hỗ trợ chuyển đổi cây trồng (gần 13 tỷ đồng), phần còn lại hỗ trợ chăn nuôi tập trung và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, năm 2017, toàn huyện đặt mục tiêu chuyển đổi hơn 228ha cây trồng với tổng kinh phí hơn 17,6 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 7,4 tỷ đồng. Số tiền này được dùng để mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trợ lực cho người dân trong quá trình chuyển sang trồng các loại cây khác phù hợp với quy hoạch và đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là đòi hỏi về diện tích chuyển đổi phải đủ lớn theo quy định của UBND tỉnh. Năm 2018, tỉnh cũng đã quyết định cấp khoảng 14 tỷ đồng để các địa phương hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn.
Quy định rõ về điều kiện hỗ trợ
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động chuyển đổi cây trồng những năm qua diễn ra khá phổ biến. Những cây trồng như: bắp, mì, mía, cà phê, hồ tiêu, điều… và một số diện tích lúa kém hiệu quả đang được người dân chuyển dần sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như: cây ăn quả, rau màu. Tương tự, ngành chăn nuôi cũng có những chuyển biến rất mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại lớn, hiện đại.
Trong quá trình triển khai Quyết định 661 có một khó khăn, đó là điều kiện để được hỗ trợ đang trở nên quá tầm đối với quy mô sản xuất của hầu hết các hộ. Đơn cử như chuyển đổi cây trồng cần phải được thực hiện ở diện tích tối thiểu 2ha cây hàng năm hoặc 5ha cây lâu năm mới được xem xét hỗ trợ. Theo cơ quan chuyên môn, đa số các hộ nông dân sản xuất cây hàng năm hiện nay chỉ có diện tích canh tác bình quân khoảng 0,2ha, không đủ điều kiện để được xem xét hỗ trợ. Để giải quyết vấn đề này, người dân có diện tích sản xuất liền kề nhau có thể liên kết lại để đáp ứng đủ diện tích, tuy nhiên, đã từng có nhiều ý kiến phân vân giữa khái niệm liền vùng và liền thửa. Chưa kể với diện tích đa số nhỏ lẻ mà không ít trong số đó vẫn còn tư tưởng mạnh ai nấy làm, hoạt động liên kết sẽ khó có thể tạo ra được diện tích đủ lớn.
Trước những khó khăn đó, ngày 7-6-2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1609 quy định thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, thay thế Quyết định 661 trước đây. Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn, quy định mới về cơ bản không có nhiều thay đổi, chỉ có một khác biệt là điều kiện về quy mô để được xem xét hỗ trợ đã được quy định một cách rõ ràng hơn. Theo đó, nội dung hỗ trợ chuyển đổi cây trồng ghi rõ diện tích chuyển đổi không nhất thiết phải liền kề, chỉ cần nằm trong vùng sản xuất phù hợp với đề án chuyển đổi cây trồng được phê duyệt. Điều này được hiểu là các hộ nếu hình thành tổ liên kết với nhau để mở rộng quy mô sản xuất, Nhà nước sẽ có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho các tổ hợp tác này.
Việc bỏ qua yếu tố liền vùng, liền thửa trong Quyết định 1609 hứa hẹn sẽ giúp nhiều người dân tiếp cận được chính sách này. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết vẫn là đủ diện tích mà để làm được điều này người dân cần liên kết với nhau. Đó cũng là một trong những mục tiêu mà chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hướng tới.
Hồng Đăng