12:04, 17/04/2018

Phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm

Trước những thách thức mà nghề nuôi tôm hùm đang đối mặt, mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức diễn đàn để tìm giải pháp thúc đẩy nghề nuôi tôm hùm đạt hiệu quả cao, phát triển bền vững.

Trước những thách thức mà nghề nuôi tôm hùm đang đối mặt, mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức diễn đàn để tìm giải pháp thúc đẩy nghề nuôi tôm hùm đạt hiệu quả cao, phát triển bền vững.


Nhiều thách thức


Nghề nuôi tôm hùm đã giúp cho bộ mặt nhiều làng biển thay đổi sau nhiều vụ nuôi trúng lớn, thế nhưng nghề nuôi này đang tiềm ẩn nhiều thách thức. Ông Nguyễn Chí Lực - người nuôi tôm hùm tại xã Cam Lập (TP. Cam Ranh) chia sẻ: “Cứ mỗi vụ nuôi, nông dân lại phải đối mặt với các vấn đề về con giống, nguồn thức ăn, ô nhiễm môi trường nước… Đơn cử như chuyện con giống, do nguồn giống tôm hùm tại Khánh Hòa phụ thuộc vào nguồn khai thác tự nhiên và nhập khẩu từ các nước lân cận nên người nuôi không thể chủ động được nguồn giống, giá cả. Vụ nuôi năm 2018 này, người nuôi tôm hùm xanh ở Cam Ranh và nhiều địa bàn khác đang đỏ mắt tìm giống”.

 

Người dân Vạn Ninh khôi phục nghề nuôi tôm hùm sau cơn bão số 12.

Người dân Vạn Ninh khôi phục nghề nuôi tôm hùm sau cơn bão số 12.


Còn ông Võ Văn Cường ở xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) cho rằng: “Thách thức lớn nhất của nghề nuôi tôm hùm là biến đổi khí hậu. Rõ nét nhất là gần như toàn bộ ô lồng nuôi tôm hùm ở huyện Vạn Ninh đã tan hoang sau cơn bão số 12, thiệt hại rất lớn. Một vấn đề cần lưu ý nữa là công nghệ nuôi còn lạc hậu, dựa vào kinh nghiệm là chính chứ chưa có sự đầu tư về khoa học công nghệ vào nghề nuôi này. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ tôm hùm hiện nay chủ yếu được thương lái thu gom xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên đầu ra khá bấp bênh, không ít lần nông dân bị thương lái ép giá”.


Theo ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, sau thời gian phát triển “nóng”, nghề nuôi tôm hùm lồng tại Khánh Hòa và nhiều địa phương khác ở khu vực Nam Trung bộ đang phải đối diện với 6 thách thức lớn: quy hoạch còn bất cập, con giống phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác tự nhiên, công nghệ nuôi lạc hậu, chưa kiểm soát được dịch bệnh, rủi ro từ thức ăn tươi sống, thị trường không qua chính ngạch nên thiếu bền vững. Qua thực tế một số vùng nuôi ở Khánh Hòa, địa phương cần giải quyết thêm một số vấn đề bất cập như: mật độ nuôi quá dày, ý thức giữ gìn môi trường nuôi của nông dân còn hạn chế…


Để nghề nuôi phát triển bền vững


Từ thực tế nuôi tôm hùm ở vùng nuôi xã Cam Bình (TP. Cam Ranh), ông Diệp Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình phân tích: “Thành bại của nghề nuôi tôm hùm phụ thuộc rất lớn vào việc hạn chế dịch bệnh. Ngoài đảm bảo các yếu tố đầu vào an toàn, kinh nghiệm của Cam Bình là phải bảo vệ tốt môi trường vùng nước nuôi tôm. Tại vùng nuôi này, không có chuyện người nuôi vứt rác, thức ăn thừa bừa bãi ra biển mà hàng ngày, trước khi cho tôm ăn người nuôi phải vệ sinh, vớt thức ăn thừa, đưa đến điểm tập kết, sau đó có ghe chuyên chở vào bờ để xử lý, nhờ đó môi trường trong khu vực nuôi luôn được giữ sạch. Thấy được lợi ích nên các hộ nuôi đều tự nguyện đóng góp kinh phí để thuê ghe thu gom, chuyên chở thức ăn thừa, rác thải vào bờ”. 

 

Nghề nuôi tôm hùm ở khu vực ven biển Nam Trung bộ phát triển nhanh chóng từ gần 20 năm nay, trong đó Khánh Hòa và Phú Yên là 2 vùng trọng điểm. Tại Khánh Hòa, tôm hùm sao và tôm hùm xanh là 2 đối tượng nuôi chính, được nông dân nuôi nhiều ở 23 tiểu vùng thuộc các vịnh: Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang và một số ít được nuôi ở đầm Nha Phu. Số lồng nuôi tôm tại Khánh Hòa cũng phát triển nhanh chóng, nếu như năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 21.320 lồng nuôi tôm thì đến năm 2017, nông dân đã thả nuôi 40.620 lồng tôm hùm.

Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa, nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp về quy hoạch, quản lý vùng nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ và phải có chính sách đầu tư. Đối với vấn đề quy hoạch, cần triển khai quy hoạch chi tiết mặt nước các vịnh, đầm trên địa bàn tỉnh, trong đó có quy hoạch dành cho phát triển tôm hùm. Đối với việc quản lý vùng nuôi cần quản lý chặt nguồn giống, các quy định đối với vùng nuôi thủy sản lồng bè, tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường chuỗi liên kết giữa người nuôi với các đơn vị cung cấp các yếu tố đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản…) và doanh nghiệp tiêu thụ. Về ứng dụng khoa học, công nghệ, cần nghiên cứu, ứng dụng để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến nghề nuôi, đặc biệt thay thế dần lồng nuôi vật liệu gỗ sang vật liệu HDPE để chịu được sóng gió cấp độ lớn. Về kỹ thuật cần quy định kích cỡ; nghiên cứu để cho sinh sản nhân tạo tôm hùm giống, sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế cho thức ăn tươi sống để hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi. Đối với chính sách đầu tư, cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tập trung, có chính sách khuyến khích phát triển nghề nuôi tôm hùm lồng bền vững…


Ông Huỳnh Kim Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, từ thực tế nhiều mô hình nuôi tôm hùm đạt hiệu quả cao của nông dân trong tỉnh cho thấy, những vấn đề cần lưu ý là phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh cho tôm là hết sức quan trọng. Bệnh gây thiệt hại nặng nhất đối với tôm hùm hiện nay là bệnh sữa và bệnh đỏ thân, muốn hạn chế các loại bệnh này, nông dân cần áp dụng biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp từ lúc chọn giống đến cả quá trình nuôi, phải tiêu diệt, kìm hãm sự phát triển của các tác nhân gây bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm, đồng thời cần quản lý tốt nguồn chất thải từ thức ăn, rác sinh hoạt hàng ngày.


Theo ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản): Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, quản lý nghề nuôi; tổ chức sản xuất gắn với thị trường; quản lý tốt con giống; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nuôi tôm hùm; có chính sách đầu tư, khuyến khích sản xuất gắn với định hướng phát triển kinh tế biển.


BÍCH LA