Xưa nay, trước và trong các dịp lễ, Tết, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu luôn leo thang và sau đó vẫn cứ giữ nguyên chứ không chịu hạ xuống.
Xưa nay, trước và trong các dịp lễ, Tết, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu luôn leo thang và sau đó vẫn cứ giữ nguyên chứ không chịu hạ xuống. Điệp khúc này lập đi lập lại gần như một quy luật bất biến đầy ám ảnh cả một thời gian dài. Ấy vậy mà, trong năm nay, tình trạng ấy không xuất hiện. Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của tỉnh giảm 0,55% so với tháng trước. Con số này còn cao hơn rất nhiều so với chỉ số CPI toàn quốc 0,27% do Tổng cục Thống kê vừa công bố. Điều này thật sự là tín hiệu đáng mừng cho cả người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh.
Theo đó, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 6 nhóm hàng có chỉ số giảm so với tháng trước gồm nhóm giao thông; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón…; nhà ở; điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; văn hóa giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác. Chỉ có nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng nhẹ còn các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá ổn định. Theo cơ quan này, CPI giảm do giá cả các mặt hàng sau Tết có xu hướng giảm và trở về lại giá của ngày thường.
Điều này rõ ràng là một tín hiệu đáng mừng bởi nó đồng nghĩa với việc giá cả nói chung đã được quản lý tốt, không có hiện tượng lợi dụng dịp Tết để tăng giá như bao năm qua. Điều đó cũng thể hiện sự ổn định của thị trường nhờ các biện pháp quản lý hiệu quả của các ngành chức năng. Ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trong Công điện số 240/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ biến động giá cả, thị trường trong quý I/2018; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo UBND các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp về giá. Bộ Tài chính yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Thực hiện các định hướng đó, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt cũng như những biện pháp phù hợp thực tiễn để kiểm soát giá cả thị trường. Do đó, Khánh Hòa được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác bình ổn giá. Con số thống kê CPI đã thể hiện rõ hiệu quả từ những chính sách vĩ mô ấy của tỉnh.
Theo yêu cầu của Quốc hội, năm 2018, chỉ số CPI cả nước chỉ được tăng khoảng 4%. Trong khi đó, dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố có thể tác động lên chỉ số CPI như: điều chỉnh giá khám, chữa bệnh đối với người không có thẻ BHYT; điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục; xu hướng biến động của giá xăng dầu, điều chỉnh tiền lương trong khối doanh nghiệp và khu vực công… Tuy nhiên, với khởi đầu là tín hiệu vui CPI tháng 3, và các giải pháp quyết liệt, các bộ, ngành hy vọng Khánh Hòa sẽ đủ khả năng điều hành chỉ số CPI cả năm nằm trong mức cho phép.
H.DUNG