11:03, 27/03/2018

Cam Lâm (Khánh Hòa): Mì được giá nhưng mất mùa

Những ngày này, người trồng mì huyện Cam Lâm đang tập trung thu hoạch mì. Ông Nguyễn Quốc Trung (thôn Hiền Lương, xã Cam An Bắc) cho biết, cơn bão số 12 gây thiệt hại làm mì ngã, trốc gốc. 

Những ngày này, người trồng mì huyện Cam Lâm đang tập trung thu hoạch mì. Ông Nguyễn Quốc Trung (thôn Hiền Lương, xã Cam An Bắc) cho biết, cơn bão số 12 gây thiệt hại làm mì ngã, trốc gốc. Bên cạnh đó, trên địa bàn không có mưa, kéo dài từ cuối tháng 12 năm ngoái đến nay làm cây mì thiếu nước, khó tạo củ, năng suất thấp, chỉ đạt bình quân 12 - 13 tấn/ha (năm 2017 đạt 18 - 20 tấn/ha). Ông Trung cho rằng với năng suất như vậy, tuy giá cao nhưng nông dân vẫn lỗ, chỉ đủ tiền công thuê mướn. 
 
Ông Nguyễn Văn Hà (thôn Vĩnh Thái, Cam An Bắc) - hộ chế biến mì bột cho hay, năm nay việc thu mua mì gặp khó khăn do sản lượng thấp. Thương lái tranh thủ gom hàng đi miền Nam khiến việc thu mua thêm căng thẳng. Mỗi ngày, hộ ông thu mua được 5 tấn, trong khi năm ngoái gấp đôi. Ông tỏ ra rành rọt về các giống mì địa phương. Theo đó, mì đại gia và mì cút có năng suất cao hơn khoảng 2 tấn/ha so với mì cao sản, và giá thu mua cũng không đồng nhất giữa các giống. Mì cao sản và mì cút giá mua ngang nhau 2.000 đồng/kg. Trong khi mì đại gia chỉ 1.700 đồng/kg do loại này chế biến khó, ít bột, nước nhiều. Giá mì cũng có sự biến động, đầu vụ 1.400 - 1.500 đồng/kg, nửa tháng sau lên 1.900 đồng, hiện nay 2.000 đồng. Trong khi giá mì năm ngoái dao động 800 - 1.100 đồng/kg. 
 
Theo nhiều thương lái, việc thu gom mì năm nay gặp khó khăn còn do thu hoạch chậm. Ông Trịnh Đình Thường - người thu mua mì nhỏ lẻ tại Cam Hiệp Nam cho hay, người nhổ mì giỏi chỉ làm được 500kg/ngày, trong khi năng suất năm trước 800kg - 1 tấn/người/ngày. Năm ngoái giá mì hạ thấp, chỉ còn 800 - 900 đồng/kg khiến người trồng mì nản lòng, hạn chế đầu tư, chăm bón kém khiến việc thu hoạch năm nay gặp khó. Mặt khác, trên địa bàn không có mưa kéo dài nên mặt đất cứng, khó nhổ. Tuy mì tươi được thu mua ồ ạt song ông Thường vẫn giữ cách làm cũ là xắt lát (giá mì lát 4.300 - 4.400 đồng/kg, năm ngoái 3.400 đồng/kg) vì tận dụng được công nhà, đồng thời do ông chưa xây dựng được mối hàng với các doanh nghiệp lớn. 

 

Việc thu mua mì chế biến bột hiện nay rất hạn chế.
Việc thu mua mì chế biến bột hiện nay rất hạn chế.
 
 
Mì có giá cao gấp đôi năm ngoái do đầu ra khá phong phú. Nếu như mọi năm, thương lái chủ yếu thu mua mì chế biến dạng xắt lát hay bột, năm nay đa số là mì tươi được chở đi tiêu thụ tại các nhà máy ở Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh. Bà Trần Thị Thanh Thủy - thương lái mua mì ở Cam An Bắc cho biết, mì được chở đi miền Nam là để làm bột. “Mì bột làm thủ công tại địa phương không đạt chất lượng, chỉ có thể sử dụng làm lớp phủ bì hay bánh tráng vì công nghệ sơ sài. Trong khi đó, mì tươi đưa vào nhà máy có công nghệ hiện đại, sản xuất theo dây chuyền, các khâu lắng lọc, tách bẩn theo quy trình sẽ tạo ra chất lượng cao hơn, sử dụng vào nhiều lĩnh vực chế biến nên giá thu mua cao hơn, hiện tại giá 2.500 - 2.600 đồng/kg tại nhà máy”, bà Thủy giải thích.
 
Còn theo ông Hồ Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Cam An Bắc, hiện nay, giá mì cao là do mì được dùng để chế biến xăng sinh học E5. Hàng ngày, thương lái thu mua mì đi các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh. Trên địa bàn xã, người dân không còn mặn mà chế biến mì lát, mì bột vì bán thẳng mì tươi vẫn tiện hơn. 
 
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, chủ trương của huyện là phát triển cây mía, không khuyến khích phát triển cây mì. Tuy nhiên, do mì và mía cùng canh tác trên cùng chân đất, phần lớn chưa chủ động nước tưới nên nông dân thường chuyển đổi qua lại tùy theo thời giá. Năm nào cây mì có giá thì năm sau được chuyển đổi ồ ạt và ngược lại. Hiện nay, diện tích mì toàn huyện xấp xỉ 1.200ha, đã thu hoạch được 281ha, năng suất bình quân 16 tấn/ha, giảm 1 tấn/ha so với cùng kỳ. 
 
P.LÂM