Kết quả nghiên cứu đề tài khoa học xác định đối tượng và cơ cấu cây trồng phù hợp trên đất thoái hóa tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh cho thấy, việc trồng đậu phụng xen vào diện tích keo lai tỏ ra phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ canh tác nơi đây.
Kết quả nghiên cứu đề tài khoa học xác định đối tượng và cơ cấu cây trồng phù hợp trên đất thoái hóa tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) cho thấy, việc trồng đậu phụng xen vào diện tích keo lai tỏ ra phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ canh tác nơi đây.
Vùng đất khó khăn
Cam Thịnh Tây có diện tích tự nhiên hơn 3.000ha, tuy nhiên chỉ có khoảng 1/3 diện tích có thể sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân là do địa phương có địa hình đồi núi, độ dốc lớn, đất thoái hóa, kém màu mỡ. Ở khu vực bình nguyên, nơi chiếm 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện nay được người dân trồng chủ yếu là: mía, bắp, mì, cây ăn quả và chăn nuôi. Tuy vậy, năng suất cây trồng đạt thấp và không chủ động được nguồn nước tưới, đặc biệt là vào các thời điểm nắng nhiều trong năm. Nơi đây cũng đang tồn tại khoảng 100ha đất hoang hóa chưa khai thác sử dụng.
Không chỉ vậy, xã Cam Thịnh Tây có điều kiện thời tiết không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Với lượng mưa thấp, tổng cộng chỉ khoảng 1.100 - 1.300mm mỗi năm, mùa mưa lại chỉ tập trung trong 4 tháng cuối năm và chiếm 70% lượng mưa cả năm nên sản xuất nông nghiệp nơi đây gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, trong số khoảng 1.200 hộ của xã, có 99,4% là người dân tộc thiểu số, trình độ, tập quán canh tác còn nhiều hạn chế. Điều này đặt ra bài toán về cơ cấu cây trồng làm sao vừa giải quyết được vấn đề thoái hóa đất, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ canh tác, vừa giải quyết được vấn đề dân sinh, thu nhập của người dân.
Trồng đậu phụng xen keo
Đề tài trồng đậu phụng xen keo do Thạc sĩ Phạm Vũ Bảo - Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thực hiện và triển khai từ năm 2014 đã xác định đối tượng và cơ cấu cây trồng phù hợp trên đất thoái hóa tại xã Cam Thịnh Tây. Theo đó, cây lâm nghiệp mà trong đó cây keo là ưu tiên hàng đầu nhằm mục tiêu cải tạo đất và gia tăng thu nhập cho nông dân. Đối với cây ngắn ngày trồng trong vụ thu đông, do chỉ tận dụng nước mưa trong khoảng 4 tháng có mưa nên cây bắp, đậu phụng, đậu đen, đậu đỏ, đậu tương là những đối tượng cây trồng thích nghi để canh tác.
Qua 3 năm thử nghiệm một số loại cây trồng theo định hướng trên cho thấy, cây đậu phụng trồng xen với giống keo lai cho hiệu quả cao nhất. Cụ thể, đề tài đã tuyển chọn được giống keo lai với hình thức nuôi cấy mô có khả năng chịu hạn, thích hợp trên đất đang thoái hóa ở Cam Thịnh Tây. Sau 30 tháng trồng, giống keo này cho đường kính gốc 8,45cm, cao hơn các giống keo còn lại từ 15,8 đến 22,8%; chiều cao cây đạt 5,49m, cao hơn các giống còn lại khoảng 10%. Kết quả thử nghiệm trồng đậu phụng giống L14 và LDH01 xen vào diện tích keo cho năng suất cao, khoảng 19 tạ/ha, mang về lợi nhuận ròng hơn 18 triệu đồng/ha.
Trong khi cây keo phải mất khoảng 5 năm mới cho thu hoạch, thì những cây họ đậu thu hoạch chỉ sau khoảng 4 tháng trồng sẽ giải quyết được bài toán thu nhập thường xuyên cho nông dân. Điều đặc biệt, ở một nơi nóng ẩm cao, việc trồng xen cây họ đậu còn giúp tăng độ che phủ, giảm nhiệt độ đất mặt, giảm xói mòn đất khi trời mưa. Sau khi thu hoạch xong, thân cây họ đậu sẽ được vùi vào đất giúp cho hàm lượng mùn và độ pH trong đất tăng lên, giúp cho đất màu mỡ hơn.
Theo Thạc sĩ Phạm Vũ Bảo, ngoài việc tìm ra giống cây trồng thích hợp, kết quả đạt được của đề tài còn chứng minh cho nông dân trực tiếp tham gia mô hình và các hộ ở xã Cam Thịnh Tây có diện tích đất canh tác kém hiệu quả hoặc đang bỏ hoang hóa thấy được hiệu quả việc trồng cây keo có xen canh cây họ đậu, mà ở đây là cây đậu phụng trên đất thoái hóa. Qua đó, góp phần thay đổi tập quán, nhận thức của nông dân trong canh tác, tạo việc làm, góp phần ổn định dân sinh và kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.
Đề tài này đã được Hội đồng nghiệm thu kết quả đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh đánh giá đạt. Hội đồng cũng yêu cầu đơn vị thực hiện đề tài nhanh chóng chỉnh sửa một số vấn đề, trong đó tập trung vào việc làm rõ hiện trạng, bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội của xã Cam Thịnh Tây. Từ đó đưa ra các giải pháp một cách đầy đủ, khoa học về các mô hình kinh tế đáp ứng được đòi hỏi của thực trạng đó. Sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện, Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt đề tài, làm cơ sở triển khai.
Hồng Đăng