09:12, 10/12/2017

Siết chặt việc kinh doanh thuốc lá nhập lậu

Thời gian qua, bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đấu tranh chống buôn bán thuốc lá lậu.

 

Thời gian qua, bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Khánh Hòa cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đấu tranh chống buôn bán thuốc lá lậu.


Vẫn còn nhiều vi phạm


Theo thống kê của Chi cục QLTT tỉnh, 11 tháng năm 2017, qua kiểm tra 195 cơ sở thì có đến 183 trường hợp vi phạm kinh doanh thuốc lá nhập lậu. Chi cục đã xử phạt và thu nộp ngân sách nhà nước hơn 380 triệu đồng, tịch thu hơn 3.430 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 30 ngày 30-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 04 ngày 24-3-2015 của Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, lực lượng QLTT đã tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh bán buôn, bán lẻ thuốc lá điếu; các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát; các tủ bán thuốc lá lẻ tại những khu vực, tuyến đường. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, kiểm soát các hành vi kinh doanh thuốc lá lậu lại khá gian nan.

 

Kiểm tra thuốc lá tại một cửa hàng tạp hóa ở TP. Nha Trang
Kiểm tra thuốc lá tại một cửa hàng tạp hóa ở TP. Nha Trang


Một cán bộ QLTT cho biết, đối tượng buôn bán thuốc lá lậu rất tinh vi, biết lực lượng QLTT chỉ kiểm tra được khu vực bán hàng nên thường đối phó bằng cách cất giấu thuốc lá trong nhà, thậm chí là nhà vệ sinh. Nếu muốn khám xét nhà ở thì lực lượng QLTT phải có giấy khám nhà do chủ tịch UBND thành phố ký. Do đó, để xử lý được đối tượng kinh doanh thuốc lá lậu, lực lượng QLTT phải cử người mặc thường phục vào hỏi mua. Nếu phát hiện bán thuốc lá lậu, lực lượng chức năng mới ập vào.


Theo lãnh đạo Chi cục QLTT, tình hình kinh doanh thuốc lá nhập lậu trên địa bàn tỉnh có giảm về quy mô nhưng vẫn còn phổ biến. Nguyên nhân là do kinh doanh thuốc lá lậu có lợi nhuận cao nên các đối tượng buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu bất chấp quy định của pháp luật, hoạt động ngày càng tinh vi và có nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, một phần cũng do tâm lý, thói quen của người tiêu dùng, giá bán các loại thuốc lá lậu thường rẻ hơn so với thuốc sản xuất trong nước…


Tăng cường tuyên truyền, xử lý


Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở ở TP. Nha Trang ký hàng ngàn bản cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm; dán hàng ngàn tờ áp phích tuyên truyền “Cảnh báo” thuốc lá nhập lậu là hàng cấm. Chi cục cũng tổ chức hội nghị tuyên truyền phòng, chống thuốc lá nhập lậu cho cán bộ, công chức và các cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh; phối hợp với báo, đài thực hiện phóng sự, tin bài về chống buôn lậu mặt hàng thuốc lá điếu; các mức xử phạt của pháp luật đối với hành vi kinh doanh thuốc lá lậu… Trong đó, các chế tài xử phạt đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá lậu được điều chỉnh theo hướng tăng nặng đã góp phần răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Đáng chú ý, Nghị định 124 của Thủ tướng Chính phủ với quy định đối với hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu hơn 500 bao sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (trước đó Nghị định 185 quy định hơn 1.500 bao mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Bên cạnh đó, còn có mức xử phạt hành chính cao nhất lên đến 70 triệu đồng trong trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 400 bao đến dưới 500 bao.


M.HOÀNG