Kinh tế vườn có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế - văn hóa ở khu vực nông thôn. Nhưng nhiều năm qua, Hội Làm vườn Khánh Hòa - đại diện của những người phát triển kinh tế vườn vẫn chưa phát huy tối đa vai trò.
Kinh tế vườn có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế - văn hóa ở khu vực nông thôn. Nhưng nhiều năm qua, Hội Làm vườn Khánh Hòa - đại diện của những người phát triển kinh tế vườn vẫn chưa phát huy tối đa vai trò. Đây cũng là nhiệm vụ được đặt ra tại Đại hội Hội Làm vườn tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ V (2017 - 2022) vừa được tổ chức.
Chưa thu hút thành viên
Trong báo cáo tổng kết của Ban Chấp hành Hội Làm vườn Khánh Hòa nhiệm kỳ 2012 - 2017, điều đầu tiên được nhắc đến không phải là những kết quả đạt được. Mà là những khó khăn của người làm vườn khi sản phẩm làm ra thường rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Ngoài thiên tai địch họa, dường như mối liên kết cung - cầu chưa bao giờ bền vững. Chưa kể kiểu sản xuất theo phong trào, ít tuân thủ quy hoạch đã không ít lần khiến cho nông sản rơi vào cảnh khủng hoảng thừa. Hay như việc quá lệ thuộc vào con đường tiểu ngạch, tư thương khiến cho giá trị nông sản luôn bấp bênh mà phần thiệt lại thường nghiêng về phía người làm ra nông sản ấy.
Giữa lúc những người làm vườn đang gặp không ít khó khăn, đời sống chưa dư dả thì Hội Làm vườn lại chỉ là một tổ chức tự nguyện, tự lo kinh phí hoạt động. Vì thế, không nhiều nhà làm vườn hứng thú với việc trở thành thành viên của hội khi mà những sự trợ giúp từ hội đến các thành viên chưa nhiều. Kinh phí từ nguồn hội phí của hội viên vì thế cũng teo tóp dần, trong khi hiện nay, nếu không có kinh phí, vai trò, nhiệm vụ của Hội Làm vườn nhìn chung vẫn chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải.
Theo báo cáo, đến nay, toàn tỉnh có chưa tới 6.400 hội viên Hội Làm vườn. Đây là con số khá khiêm tốn khi toàn tỉnh có hàng trăm nghìn nông dân làm kinh tế vườn. Trong nhiệm kỳ qua, hội chỉ mới tham gia phản biện một số chương trình, dự án lớn của tỉnh; tham gia thực hiện một số tham luận về sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững; cử người tham gia một số lớp tập huấn kỹ thuật canh tác; hỗ trợ 1 mô hình trồng bưởi da xanh ở xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa với quy mô 20 cây giống… Ban chấp hành hội nhiệm kỳ qua cũng thừa nhận do nguồn kinh phí quá hạn hẹp, nhiều nội dung hoạt động của hội tuy đã đặt ra nhưng chưa thực hiện được.
Sẽ làm vườn mẫu theo chuỗi để nhân rộng
Đó là khẳng định của ông Trương Hữu Lan - Chủ tịch Hội Làm vườn Khánh Hòa. Theo đó, trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, Hội Làm vườn Khánh Hòa sẽ tập trung xây dựng vườn mẫu, ao đìa thủy sản mẫu, chuồng trại chăn nuôi mẫu, các trang trại mẫu… và đặc biệt là các mô hình kinh tế vườn này có liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, có thể nhìn vào điểm mới trong thành phần Ban chấp hành hội nhiệm kỳ tới. Trong đó có 7/20 chủ trang trại tham gia Ban chấp hành. Đây cũng là những tập thể, cá nhân đã và đang hoạt động một cách có hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế vườn. Về thành phần lãnh đạo hội, hầu hết đều là những người nhiều năm gắn bó với ngành Nông nghiệp, có mức độ am hiểu về kinh tế vườn tại Khánh Hòa, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản. Sự chung tay của các thành viên này sẽ là hạt nhân trợ giúp cho kinh tế vườn cùng phát triển.
Trao đổi với chúng tôi về vườn mẫu, đại diện Hội Làm vườn Khánh Hòa cho rằng, từ xa xưa, ông cha ta đã có câu “nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền” để nói đến bức tranh kinh tế nông nghiệp. Câu này có thể hiểu là đào ao nuôi cá xếp thứ nhất. Tiếp đó đến trồng cây trong vườn gồm các cây ăn quả, cây ngắn ngày rồi cuối cùng mới đến làm ruộng. Thực tế cũng chứng minh, làm ruộng với dăm bảy sào lúa chưa phải là cứu cánh cho bài toán thu nhập của nông dân. Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, vẫn còn nhiều gia đình sở hữu vườn khá rộng, có nhà tới hàng nghìn mét vuông. Những năm gần đây, kinh tế vườn đã chiếm một vị trí quan trọng, mang lại hiệu quả lớn đối với người nông dân. Nếu so với trồng lúa, việc trồng cây ăn quả, hoa màu; chăn nuôi bò, heo, gà, cá… tỏ ra vượt trội hơn về thu nhập. Theo ông Trương Hữu Lan, mô hình truyền thống ở quy mô nông hộ mà chắc hẳn những người nông dân thấy rõ nhất đó chính là trong khuôn viên khu vườn nhà mình sẽ có 1 ao nuôi cá, 1 chuồng nuôi gia súc hoặc gia cầm. Đất trong vườn trồng cây dài ngày xen với cây ngắn ngày. Đây là mô hình VAC (vườn ao chuồng) nhưng ở mức độ, quy mô lớn hơn. “Một khi đã xác định được mô hình, khi có sự chung tay của các chủ trang trại, các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chúng tôi tin tưởng sẽ góp phần đưa kinh tế vườn lên mức phát triển mới, có sự liên kết theo chuỗi giá trị. Dẫu vậy, thực sự Hội Làm vườn và các thành viên vẫn đang rất cần sự chung tay, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, các sở, ngành chuyên môn và của toàn xã hội trong quá trình thực hiện vai trò, trách nhiệm và mục tiêu của mình”, ông Trương Hữu Lan chia sẻ.
Hồng Đăng