11:12, 11/12/2017

Nuôi trồng thủy sản: Cần tuân thủ quy hoạch và kê khai ban đầu

Để khắc phục hậu quả cơn bão số 12, UBND tỉnh Khánh Hòa đang tìm cách hỗ trợ người dân tái đầu tư nuôi trồng thủy sản theo Nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là người nuôi không đảm bảo điều kiện được hỗ trợ...

 

Để khắc phục hậu quả cơn bão số 12, UBND tỉnh Khánh Hòa đang tìm cách hỗ trợ người dân tái đầu tư nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo Nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là người nuôi không đảm bảo điều kiện được hỗ trợ...


Phần lớn không đảm bảo điều kiện được hỗ trợ


Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh, đối với NTTS bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ quy định mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng, mức độ thiệt hại. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng có Quyết định 2229 năm 2017 quy định rõ về việc hỗ trợ này. “Điều kiện để được hỗ trợ là người dân sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn của chính quyền địa phương, có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận. Tuy nhiên, hầu hết các hộ NTTS bị thiệt hại do cơn bão số 12 đều không đảm bảo các điều kiện này”, ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thông tin.

 

zzNếu không kê khai đăng ký ban đầu, người nuôi trồng thủy sản sẽ không được hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh

Nếu không kê khai đăng ký ban đầu, người nuôi trồng thủy sản sẽ không được hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh


Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, sau cơn bão số 12, toàn tỉnh có 35.785 ô lồng NTTS bị trôi, chìm, hư hỏng toàn bộ và 1.751ha NTTS bị thiệt hại. Riêng đối với NTTS lồng bè, có đến 12.500 ô lồng của người dân phát triển ngoài quy hoạch. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với UBND cấp huyện rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại cụ thể của các hộ nuôi. UBND tỉnh đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép hỗ trợ cho các trường hợp NTTS ngoài quy hoạch, không có thủ tục kê khai ban đầu. Các bộ, ngành Trung ương đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.


Qua tìm hiểu thực tế ở các địa phương phát triển mạnh về NTTS như: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh…, lâu nay, người dân không mấy quan tâm việc kê khai ban đầu tại UBND cấp xã về số lượng nuôi, kiểm dịch…, trong khi cơ quan chức năng cũng không kiểm tra, xử lý. Trong khi đó, quy hoạch NTTS tỉnh đến năm 2015 đã hết hạn; quy hoạch mới chưa được phê duyệt nên người dân không biết nuôi ở đâu là phù hợp. “Bên cạnh việc mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để tái đầu tư, chúng tôi mong cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể việc kê khai, nuôi ở đâu, mật độ như thế nào là phù hợp với quy hoạch để có hướng tái đầu tư sản xuất”, một người nuôi tôm hùm lồng ở xã Vạn Thạnh nói.


Cần tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng


Theo ông Võ Khắc Én, việc phát triển NTTS phù hợp với quy hoạch, có kê khai, đăng ký ban đầu không chỉ giúp người nuôi có đủ điều kiện để được Nhà nước hỗ trợ khi gặp thiên tai, dịch bệnh, mà còn giúp phát triển NTTS một cách bền vững. Bên cạnh các khuyến cáo đối với người nuôi về tái đầu tư ở những vùng nuôi phù hợp với quy hoạch mới, ngành Thủy sản tỉnh còn khuyến khích chuyển sang nuôi theo công nghệ Na Uy, với ô lồng bằng vật liệu nhựa HDPE, thay vì làm ô lồng gỗ. Thực tế, qua cơn bão số 12, tại vịnh Vân Phong có 2 đơn vị nuôi theo công nghệ Na Uy không bị thiệt hại. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, việc đầu tư cho công nghệ mới, có thể thích ứng với điều kiện gió bão cấp độ lớn nhằm giảm thiểu rủi ro là vấn đề người dân cần lưu ý.

 

Nếu không kê khai đăng ký ban đầu, người nuôi trồng thủy sản sẽ không được hỗ trợ  khi có thiên tai, dịch bệnh

Nếu không kê khai đăng ký ban đầu, người nuôi trồng thủy sản sẽ không được hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh


Trong khi các bộ, ngành Trung ương đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chính sách đặc thù để hỗ trợ các hộ NTTS ngoài quy hoạch, không có kê khai đăng ký ban đầu thì tại Khánh Hòa, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn đang khẩn trương xác định mức độ thiệt hại của các hộ. Một thực tế đặt ra là do không có kê khai ban đầu nên không thể so sánh, đối chiếu, vì thế việc xác định mức độ thiệt hại của từng hộ nuôi rất khó khăn.


BÍCH LA

 



Theo Nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ: Đối với diện tích nuôi tôm quảng canh bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 4,1 đến 6 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ từ 2 đến 4 triệu đồng/ha. Đối với diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 7,1 đến 10 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ từ 3 đến 7 triệu đồng/ha. Đối với diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 6,1 đến 8 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ từ 4 đến 6 triệu đồng/ha. Đối với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 20,5 đến 30 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ từ 10 đến 20 triệu đồng/ha. Đối với diện tích nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 40,5 đến 60 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ từ 20 đến 40 triệu đồng/ha. Đối với lồng, bè nuôi trồng ngoài biển (xa bờ, ven đảo) bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 15,5 đến 20 triệu đồng/100m3 lồng; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ từ 10 đến 15 triệu đồng/100m3 lồng. Đối với diện tích nuôi trồng các loại thủy, hải sản khác bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 4,1 đến 6 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ từ 2 đến 4 triệu đồng/ha.