Nhiều năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản trên biển phát triển khá mạnh. Do đó, lao động làm thuê trên các lồng bè ngày một tăng. Thế nhưng, lực lượng lao động này lại chưa được quản lý chặt chẽ, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Nhiều năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển phát triển khá mạnh. Do đó, lao động làm thuê trên các lồng bè ngày một tăng. Thế nhưng, lực lượng lao động này lại chưa được quản lý chặt chẽ, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Những ngày này, trở lại khu vực biển Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), đa số các lồng bè đang trong quá trình được sửa chữa, gia cố. Ngoài ra còn có nhiều lồng bè đã thả nuôi tôm, cá trở lại nên lượng lao động trên các lồng bè khá đông. Ông Trần Diên (thôn Đầm Môn) cho biết: “Để khắc phục lại lồng bè và chăm sóc thủy sản, gia đình phải thuê 3 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Số lao động này chỉ hợp đồng miệng, không phải trình báo với chính quyền địa phương và xưa nay cũng không thấy đơn vị chức năng nào hỏi, yêu cầu kê khai”.
Chúng tôi đến lồng tôm của ông Nguyễn Thành Tâm - người có hơn 10 năm nuôi tôm hùm ở khu vực Bãi Giếng (thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh). Ông Tâm cho biết, nhiều năm qua, gia đình ông chủ yếu thuê lao động ở Vạn Giã và tỉnh Đắk Lắk với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng để trông coi và chăm sóc tôm. Ông Nguyễn Văn Tình (quê Đắk Lắk) làm thuê trên bè ông Tâm cho biết: “Tôi làm thuê ở đây được gần 2 tháng. Chúng tôi được ông chủ bao ăn ngày 3 bữa; hàng ngày ở trên lồng bè trông coi và cho tôm ăn. Mỗi tháng được nghỉ 3 ngày về thăm nhà”. Được biết, 3 lao động mà ông Tâm thuê đều không có hợp đồng lao động và chưa bao giờ phải khai báo với cơ quan chức năng, địa phương. “Vì không có hợp đồng nên số người làm cho gia đình cũng vô ra thường xuyên, có người làm được vài tháng rồi bỏ”, ông Tâm nói.
Tương tự, ở vịnh Cam Ranh, các chủ lồng bè nuôi tôm, cá ở đây cũng đều thuê mướn lao động trông coi, chăm sóc thủy sản với mức công từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Ông Huỳnh Tấn Khanh (phường Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh) cho biết, gia đình ông có 1 bè nuôi cá bớp với 50 ô lồng, ông phải thuê 2 lao động để trông coi và chăm cá. Cũng như bao hộ nuôi khác, việc thuê mướn lao động chỉ nói miệng và cũng không phải khai báo với chính quyền địa phương. Sau khi thỏa thuận, người lao động nhận việc để làm, cuối tháng nhận lương theo mức thỏa thuận ban đầu.
Theo lãnh đạo UBND xã Vạn Thạnh và UBND thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh), nhiều năm qua, hoạt động NTTS ở địa phương đều mang tính tự phát nên không thể thống kê chính xác số lao động làm trên các lồng bè. Chủ lồng khi thả nuôi và thuê lao động không đăng ký, khai báo với địa phương.
Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 54.000 lồng bè NTTS trên biển. Trung bình mỗi chủ bè thường thuê từ 2 đến 10 lao động. Họ làm việc không có giao kết hợp đồng mà chỉ thỏa thuận với nhau về chế độ tiền công. Hầu hết những lao động này không được chủ bè khai báo, đăng ký với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Do chưa được quản lý chặt chẽ nên đợt cơn bão số 12 vừa qua, các địa phương không thể nắm bắt chính xác còn bao nhiêu lao động trên bè tôm, cá để áp dụng biện pháp cưỡng chế vào bờ.
“Hơn bao giờ hết, các cấp, ngành, địa phương cần sớm triển khai quy hoạch vùng NTTS. Từ đó, đưa ra quy định cho những chủ lồng bè trong việc khai báo mức độ, quy mô, đối tượng thả nuôi cũng như lao động trên lồng bè. Có như vậy, khi xảy ra sự cố thiên tai, dịch bệnh thì ngành chức năng, địa phương mới có phương án ứng cứu kịp thời. Trong trường hợp để xảy ra tai nạn lao động, chết người thì chủ thuê lao động phải có trách nhiệm”, ông Én nói.
Có thể nói, những người lao động tự do chiếm một số lượng lớn trong lực lượng lao động của tỉnh đang đòi hỏi cần sự quản lý mới phù hợp. Quản lý lao động, rộng hơn là quản lý công dân, cần phải có bộ công cụ khoa học hơn.
VĂN GIANG