Nhờ đề án khuyến công địa phương, khuyến công quốc gia, thời gian qua, không ít cơ sở tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã bắt đầu chuyển mình, từng bước vươn lên.
Nhờ đề án khuyến công địa phương, khuyến công quốc gia, thời gian qua, không ít cơ sở tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã bắt đầu chuyển mình, từng bước vươn lên.
Công ty TNHH Việt Pháp (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) chuyên sản xuất các thiết bị thể thao, có nhiều tiềm năng để làm ra các sản phẩm có đủ sức cạnh tranh trong nước nhưng vì thiếu vốn nên chưa mạnh dạn đầu tư. Sau khi nhận được 300 triệu đồng hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia, doanh nghiệp đã mua thêm nhiều máy móc phục vụ việc sản xuất thiết bị vận động cho trẻ em. Ông Hoàng Trọng Tứ - Giám đốc Công ty TNHH Việt Pháp cho biết: “Từ nguồn hỗ trợ khuyến công, công ty đã đầu tư máy móc để có thể sản xuất 1.500 sản phẩm/năm, phục vụ thị trường ngày càng tăng, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu địa phương. Đồng thời, tạo việc làm cho 150 lao động và góp phần thực hiện chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.
Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Hưng (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) được chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ 400 triệu đồng để trang bị hệ thống thiết bị sản xuất dăm gỗ như: máy băm, máy sàn quay, băng tải… Nhờ đó, việc sản xuất của công ty thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện nay, công ty hoạt động ổn định, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất; đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động trực tiếp sản xuất tại nhà máy, hơn 300 lao động thường xuyên tham gia trồng và khai thác keo tại địa phương. Theo ông Đoàn Hải Sơn - Tổng Giám đốc công ty, với dây chuyền sản xuất hiện đại, công ty đảm bảo chất lượng dăm gỗ luôn ở mức cao nhất, sản lượng và năng suất đạt mức tối đa. Đặc biệt, công ty sử dụng băng tải xoay chuyển dăm ra bãi, giúp lựa chọn loại gỗ sản xuất và phân loại chất lượng dăm. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã sản xuất và tiêu thụ hơn 36.000 tấn dăm gỗ, doanh thu năm 2017 dự kiến đạt 50 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã hỗ trợ cho 10 đơn vị công nghiệp nông thôn với số tiền 1,6 tỷ đồng. Trong đó, có 3 công ty được nhận hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia, 7 đơn vị được hỗ trợ từ nguồn khuyến công địa phương. Ông Nguyễn Sanh Đương - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: “Đối với những dự án cần quy mô đầu tư lớn, chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ bằng nguồn khuyến công quốc gia; những đề án ứng dụng máy móc thiết bị quy mô nhỏ hơn thì sẽ hỗ trợ từ khuyến công địa phương. Nguồn kinh phí khuyến công đã đem lại nhiều lợi ích cho công nghiệp nông thôn. Tuy nguồn kinh phí này không lớn nhưng nó là động lực để các doanh nghiệp đầu tư thêm máy móc, thiết bị mở rộng sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh”.
Theo ông Đương, nguồn kinh phí từ khuyến công chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu của doanh nghiệp công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, còn rất nhiều đơn vị mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công. Trong năm tới, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho khoảng 17 đơn vị. Tuy nhiên, vì nguồn vốn có hạn nên việc lựa chọn các đơn vị để hỗ trợ sẽ được tiến hành kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét nhiều khía cạnh.
ĐÌNH LÂM