Với nhiều lý do, hầu hết các mô hình kinh tế tập thể đều đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Nguồn quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được xem là giải pháp giúp các hợp tác xã giải quyết vấn đề này.
Với nhiều lý do, hầu hết các mô hình kinh tế tập thể đều đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng (NH). Nguồn quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) được xem là giải pháp giúp các HTX giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên đến nay, Khánh Hòa vẫn chưa hình thành được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
Hợp tác xã “khát” vốn
Điểm khác biệt mấu chốt so với HTX kiểu cũ, đó là HTX kiểu mới hoạt động theo mô hình cung ứng dịch vụ cho thành viên của mình. Các thành viên vừa là người sử dụng dịch vụ, vừa tham gia HTX dưới dạng một cổ đông. Hình thái hoạt động có phần đặc biệt này sẽ càng trở nên hiệu quả khi tỷ lệ dịch vụ mà HTX đáp ứng cho thành viên của mình càng cao. Ngược lại, những HTX có ít dịch vụ, nguồn thu nhập sẽ thấp, phần chia lại cho thành viên không đáng kể. Vì vậy, các HTX càng có nhiều dịch vụ càng hoạt động hiệu quả.
Tuy vậy, theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, phần lớn các HTX nông nghiệp trong tỉnh đang có mức độ đáp ứng dịch vụ rất thấp so với nhu cầu của các thành viên. Trong số 73 HTX nông nghiệp, đơn cử như dịch vụ vật tư nông nghiệp, các HTX chỉ đáp ứng được 19% so với nhu cầu của thành viên. Ở khâu có phần đơn giản và phổ biến như làm đất cũng chỉ có 26,5% HTX thực hiện được. Nguyên nhân chính là do quá trình cung ứng dịch vụ cần đầu tư, trang bị máy móc, cơ sở hạ tầng, vốn lưu động để mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoặc thu mua nông sản cho các thành viên… nhưng các HTX không có vốn. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ NH lại gặp khó khăn, do các HTX không có tài sản đảm bảo. Tuy Nhà nước đã có chính sách có thể giúp các HTX vay vốn bằng tín chấp, số vốn vay được có thể lên đến hàng tỷ đồng, nhưng để tiếp cận chính sách này rất khó. Chẳng hạn như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ, các tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho HTX vay vốn phát triển sản xuất từ 1 đến 2 tỷ đồng mà không cần thế chấp tài sản. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, mới chỉ có 7 HTX trong tỉnh tiếp cận được nguồn vốn này.
Đơn cử như thương hiệu gạo Ngọc Quang mà HTX nông nghiệp 1 Ninh Quang đang xây dựng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là vốn thu mua lúa của thành viên. Theo lãnh đạo HTX, mỗi năm chỉ có 2 - 3 vụ lúa, nhưng việc cung ứng gạo cần phải thường xuyên, liên tục quanh năm, vì vậy HTX cần vốn khoảng 5 tỷ đồng để mua lúa tích trữ, sau đó chế biến thành gạo cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, các kênh huy động vốn đang gặp bế tắc. Kênh NH chưa thể tiếp cận được vì HTX không có tài sản thế chấp. Các chính sách theo đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức hợp tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 không nhắc đến việc hỗ trợ vay vốn để thu mua nông sản.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Mạnh Cường - Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và trang trại, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 15% HTX tiếp cận được nguồn vốn vay từ các NH. Khi không có vốn, các HTX sẽ không đủ lực để cung ứng đầy đủ các dịch vụ cho thành viên, dẫn tới lợi nhuận thấp. Vì thế, các HTX khó tránh khỏi vòng luẩn quẩn giữa hiệu quả thấp - không tiếp cận được vốn - hiệu quả thấp. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho đa số các HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp ở Khánh Hòa vẫn đang hoạt động cầm chừng, chưa thực sự hiệu quả.
Xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã
Có khá nhiều việc cần phải làm để giúp các mô hình kinh tế tập thể phát huy tối đa hiệu quả, từ việc thay đổi nhận thức về các HTX cho đến quá trình vận hành, quản lý, sự tiếp sức của Nhà nước bằng các chính sách… Cùng với đó, kinh nghiệm của nhiều địa phương trên cả nước cho thấy, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX từ lâu đã trở thành một kênh vay vốn quan trọng của các mô hình kinh tế tập thể. Theo ông Phạm Ngọc Lễ - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, quỹ này thường do Liên minh HTX tỉnh quản lý, vận hành. Một mặt nâng cao năng lực quản lý cho Liên minh HTX đối với thành viên của mình, mặt khác có thể đứng ra tín chấp, bảo lãnh cho các HTX khi tiếp cận vốn NH.
Tuy nhiên ở Khánh Hòa, đã gần 8 năm kể từ khi đề xuất, đến nay, việc hình thành Quỹ hỗ trợ HTX vẫn chưa thực hiện được. Được biết, ngày 5-1-2010, UBND tỉnh đã có Quyết định số 03 về việc cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Khánh Hòa. Liên minh HTX ngay sau đó đã thành lập bộ máy quản lý, vận hành quỹ này. Nguồn vốn điều lệ là 3 tỷ đồng do các thành viên đóng góp và không được chia lãi. Đến tháng 3-2013, trong thông báo kết luận về kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, UBND tỉnh đã yêu cầu Liên minh HTX tỉnh xây dựng đề án, điều lệ hoạt động quỹ. Tuy nhiên, đề án do Liên minh HTX tỉnh xây dựng, tổ chức lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan đã được UBND tỉnh trả lời là chưa phù hợp với Quyết định số 03 nêu trên.
Theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, việc hình thành vốn điều lệ từ các HTX là không khả thi do các HTX trong tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, Liên minh HTX tỉnh đang tập trung xây dựng đề án theo hướng Quỹ hỗ trợ phát triển HTX là một tổ chức tín dụng nhà nước. Vốn điều lệ được xây dựng trên cơ sở ngân sách nhà nước. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn vốn và tự bù đắp chi phí quản lý hoạt động. Đây là mô hình được hầu hết các địa phương trên cả nước đang áp dụng, vận hành. Ngoài chức năng là đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên, Liên minh HTX tỉnh còn có chức năng tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế hợp tác; tư vấn, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ các thành viên…; đặc biệt là dịch vụ vay vốn từ nguồn quỹ phát triển HTX để các HTX đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, mở rộng phạm vi dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, Liên minh đang tập trung hoàn thiện các thủ tục cần thiết để đề nghị UBND tỉnh thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trong thời gian đến.
Công Định