Với những ảnh hưởng tiêu cực từ việc mất rừng gây ra, vấn đề phát triển bền vững tài nguyên rừng là một trong những nội dung được đặt ra trong Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2018 mới được UBND tỉnh ban hành.
Với những ảnh hưởng tiêu cực từ việc mất rừng gây ra, vấn đề phát triển bền vững tài nguyên rừng là một trong những nội dung được đặt ra trong Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2018 mới được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành.
Vi phạm lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng giảm dần
Những năm gần đây, công tác phát triển bền vững tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng giảm dần. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 241 vụ vi phạm, giảm 143 vụ so với cùng kỳ năm 2016; trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng gây thiệt hại tài nguyên rừng. Đối với công tác bảo tồn thiên nhiên, các cơ sở nuôi động vật hoang dã được quản lý chặt; nhiều cá thể động vật hoang dã do người dân giao nộp đã được thả về với thiên nhiên. Trong phát triển rừng, năm 2017, toàn tỉnh trồng mới 1.062,27ha rừng, chăm sóc 2.727,65ha, khoanh nuôi tái sinh 301ha… Đối với khai thác lâm sản, việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên đã được các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện. Ngoài ra, để phát triển bền vững ngành Lâm nghiệp, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được thực hiện triệt để. Giai đoạn 2015 - 2017, toàn tỉnh thu được 25,7 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế, có 17,6 tỷ đồng đã được chi trả cho công tác bảo vệ rừng.
Bên cạnh những kết quả trên, công tác bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Với tỷ lệ che phủ rừng khá lớn, tài nguyên phong phú, nhu cầu về lâm sản và đất sản xuất ngày càng tăng nên nạn khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép vẫn diễn ra. Mặt khác, vẫn còn tình trạng người dân địa phương lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Trong khi đó, tăng trưởng của ngành Lâm nghiệp thấp và chưa bền vững, rừng trồng cũng như rừng tự nhiên năng suất và chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu của tỉnh.
Hướng đến phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, để phát triển bền vững tài nguyên rừng, mới đây, UBND tỉnh ban hành Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2018. Theo đó, năm 2018 tiếp tục quản lý bảo vệ và phát triển có hiệu quả vốn rừng, chống suy thoái nguồn tài nguyên rừng; tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất, bảo đảm nâng tỷ lệ độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đạt hơn 47,5%. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp để huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội và người dân vào phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng. Mục tiêu được UBND tỉnh chú trọng là phát triển lâm nghiệp nhằm góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân miền núi, giảm nghèo bền vững…
Theo kế hoạch được UBND tỉnh ban hành, năm 2018 sẽ có 3 nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển lâm nghiệp bền vững. Cụ thể, đối với nhiệm vụ bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, sẽ chú trọng bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái bị suy thoái, nhất là đối với rừng đặc dụng; tập trung các biện pháp để giảm 30 - 35% so với giai đoạn 2011 - 2015 về số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, diện tích rừng bị xâm hại.
Để phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, trong năm 2018, toàn tỉnh sẽ tập trung trồng 222ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; 760ha rừng sản xuất; khoanh nuôi tái sinh 370,2ha rừng; trồng 590.000 cây phân tán; nuôi dưỡng 50ha rừng… Đối với việc nâng cao hiệu quả khai thác chế biến lâm sản, sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến gỗ thông qua việc hỗ trợ các nhà máy chế biến gỗ, khu lâm nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; tăng tỷ trọng đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở, hạ tầng và dịch vụ trong lâm nghiệp, nhằm giảm chi phí trồng, khai thác, vận chuyển và chế biến sản phẩm rừng trồng.
BÍCH LA