Tuy một số mô hình sản xuất tỏi, ớt, măng tây ở tỉnh Ninh Thuận mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng việc đưa các mô hình này vào sản xuất trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) không dễ dàng vì điều kiện, hình thức canh tác, thổ nhưỡng ở các nơi khác nhau.
Tuy một số mô hình sản xuất tỏi, ớt, măng tây ở tỉnh Ninh Thuận mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng việc đưa các mô hình này vào sản xuất trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) không dễ dàng vì điều kiện, hình thức canh tác, thổ nhưỡng ở các nơi khác nhau.
Khó áp dụng
Tháng 4-2017, đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa, trong đó có đại diện thị xã Ninh Hòa đã vào Ninh Thuận để tham quan, học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại thu nhập cao. Cụ thể, đoàn đã tìm hiểu các quy trình: trồng, chăm sóc cây măng tây tại phường Văn Hải, TP. Phan Rang; trồng ớt Hàn Quốc tại Hợp tác xã Tầm Ngân ở xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn; cách thức, thị trường của cây tỏi ở Ninh Thuận. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyến đi không chỉ nhằm mắt thấy tai nghe kinh nghiệm trồng các loại cây này ở tỉnh bạn, mà còn có sự so sánh, đánh giá để từ đó đưa về áp dụng ở Khánh Hòa.
Tuy vậy, tại Ninh Hòa, thời gian qua, cây tỏi, ớt đã có sự phát triển theo một hướng khác không giống như tỉnh Ninh Thuận. Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Diện tích sản xuất tỏi tại Ninh Hòa hiện nay đã lên đến gần 300ha. Cây tỏi chủ yếu sản xuất trên địa bàn 5 xã gồm: Ninh Vân, Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh An và Ninh Thọ. Cụ thể, ở các xã ven biển như: Ninh Phước, Ninh Vân, người dân gieo trồng tỏi trên nền cát ven biển. Các xã đồng bằng và miền núi như: Ninh An, Ninh Sơn, Ninh Thọ đều không có cát biển, người dân cải tạo đất bằng cách phủ một lớp cát vôi san hô đầm nén lên trên nền đất màu và được bồi thay thế lớp cát vôi san hô này sau một vài năm trồng. Trong khi đó, cây tỏi Phan Rang hoàn toàn được trồng trực tiếp trên nền cát ven biển, vì vậy, phương thức canh tác tỏi ở Ninh Thuận không áp dụng được ở Ninh Hòa”.
Với cây ớt, diện tích trồng ớt của Ninh Hòa hiện nay khoảng 180ha, tập trung ở các xã có vùng đất cao như: Ninh Thọ, Ninh An, Ninh Trung, Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Thượng. Cây ớt Ninh Hòa chủ yếu được trồng vào đầu mùa mưa hàng năm nhằm tận dụng lượng nước mưa, giảm chi phí tưới. Ớt Ninh Hòa có trái nhỏ, chủ yếu phục vụ ăn tươi, một phần nhỏ dùng để chế biến và xuất khẩu. Phương thức canh tác chủ yếu là dùng màng nylon che phủ đất, tưới phun bằng hệ thống cố định hoặc ống mềm di động. Năng suất cây ớt ở Ninh Hòa đạt từ 10 đến 13 tấn/ha, lợi nhuận từ 100 đến 150 triệu đồng/ha/vụ với giá ớt hơn 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, cây ớt ở Ninh Thuận là giống ớt Hàn Quốc, có trái to, chủ yếu phục vụ cho mục đích chế biến, xuất khẩu. Trước khi có ý định trồng thử nghiệm ớt đỏ, Ninh Hòa cũng đã đặt vấn đề với một số doanh nghiệp thu mua ớt Hàn Quốc để tiêu thụ sản phẩm, nhưng do số lượng ít nên chưa có doanh nghiệp nào mặn mà. Để thu hút được doanh nghiệp, Ninh Hòa sẽ phải chuyển đổi diện tích trồng giống ớt hiện nay sang giống ớt khác, tuy nhiên đây là điều chưa cần thiết bởi giống ớt của Ninh Hòa hiện nay vẫn mang lại hiệu quả cao.
Riêng cây măng tây, loại cây trồng đòi hỏi kỹ thuật canh tác khá cao, đang được triển khai thử nghiệm với diện tích 0,45ha tại xã Ninh Thân. Mô hình này do Trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư, bước đầu phát triển tốt, dự kiến sẽ bắt đầu cho thu hoạch sau 4 tháng trồng. Đặc tính của loại cây này là có thể cho thu hoạch đều đặn mỗi ngày, thời gian thu hoạch từ 8 đến 10 tháng mỗi năm và kéo dài trong 8 - 10 năm mỗi đợt xuống giống. Được biết ở Ninh Thuận, mỗi sào măng tây cho thu hoạch trung bình 10kg măng/ngày. Với giá bán hiện nay, sau khi trừ chi phí người trồng thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, người trồng phải có kỹ thuật canh tác nhất định thì mới có thể thu hoạch được với năng suất như trên.
Tập trung vào chất lượng và xây dựng chuỗi
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, hiện nay, năng suất tỏi tươi ở Ninh Hòa bình quân đạt từ 10 đến 12 tấn/ha, mang về thu nhập cho người trồng tỏi khoảng 200 triệu đồng/ha. Vì thế, Ninh Hòa tiếp tục định hướng phát triển cây tỏi theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất và diện tích. Đặc biệt là ở những khu vực hoang hóa, cằn cỗi mà trước đó trồng những loại cây khác nhưng kém hiệu quả, có thể cải tạo lại ruộng đồng để trồng tỏi. Thực tế, cây tỏi ở Ninh Hòa đang được trồng, chăm sóc dựa trên đề tài “Nghiên cứu xây dựng biện pháp kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển tỉnh Khánh Hòa” do Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật trực tiếp thực hiện trong 2 năm 2013 - 2014. Hiện nay, cây tỏi Ninh Hòa đang thực hiện các bước cần thiết để phát triển đạt chuẩn VietGAP.
Cũng như nhiều loại nông sản khác, ớt Ninh Hòa đang đối diện với tình trạng thất thường về giá bán. Thời điểm sốt giá có thể đạt hơn 200.000 đồng/kg, nhưng cũng có mùa nông dân chỉ bán được khoảng 7.000 đồng/kg, không đủ chi phí thu hoạch. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn ở Ninh Hòa cũng nhìn nhận việc tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết còn ít, người sản xuất chưa mạnh dạn thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, chưa kể năng suất, chất lượng sản phẩm vẫn chủ yếu dựa vào thời tiết nên thu nhập từ cây ớt còn bấp bênh, chưa bền vững. Đây đang là những vấn đề mà Ninh Hòa cần tập trung tháo gỡ.
Với cây măng tây, tuy đã được người dân trồng thử nghiệm một thời gian, nhưng do kỹ thuật chưa đảm bảo nên chưa mang lại năng suất như mong đợi. Theo đánh giá của UBND thị xã Ninh Hòa, sau khi tìm hiểu mô hình măng tây tại Ninh Thuận, triển vọng về thị trường đối với cây măng tây rất lớn, lợi nhuận từ cây trồng này tương đối tốt và đặc biệt là trên địa bàn Ninh Hòa có điều kiện, đặc điểm thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp để phát triển măng tây. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích cần phải chờ kết quả từ mô hình thử nghiệm mới có thể đưa ra định hướng tiếp theo.
Như vậy, song hành với quá trình tìm kiếm cây trồng mới, việc phát triển theo hướng chuyên sâu đối với các loại cây trồng đang có chính là hướng đi chủ lực của Ninh Hòa. Trong đó, quá trình trồng trọt theo hướng an toàn, theo chuỗi, có sự tham gia, liên kết với thị trường mới đang được quan tâm đẩy mạnh.
Hồng Đăng